Trang

Thứ Hai, 25 tháng 6, 2012

Thánh lễ Misa và Dâng Mình Đền Tạ

Để tìm hiểu thêm về việc Rước Lễ với ý Đền Tạ những thiếu xót, lỗi lầm của loài người đối với Thánh Tâm Chúa.  Ban Tuyên Huấn GĐPTTTCG TGP Saigon, chúng tôi xin giới thiệu đến quý Đoàn viên xa gần tài liệu giáo huấn Giáo Hội tham khảo về căn tính của Thánh lễ MISA.

Thánh lễ Misa và Dâng Mình Đền Tạ Thánh lễ Misa và Dâng Mình Đền Tạ
Thánh lễ là trọng tâm và tuyệt đỉnh của đời sống Giáo hội, bởi vì trong Thánh lễ, Chúa Kitô kết hợp Giáo hội và tất cả chi thể của Người vào Hy lễ Chúc tụng và Tạ ơn.

SỐNG MẬT THIẾT VỚI THÁNH TÂM CHÚA

     Hy lễ này Người đã dâng trên Thập giá cho Chúa Cha một lần cho đến muôn đời (Giáo Lý Công Giáo số 1407). Việc tham dự Thánh lễ hội nhập ta vào Thánh Tâm Chúa Kitô, nâng đỡ ta trong suốt cuộc lữ hành trần gian, làm cho ta thêm khát vọng cuộc sống vĩnh cửu, kết hợp ta với Giáo hội Thiên quốc, với Đức Trinh  Nữ  Maria và các Thánh (nt số 1419), nên người Đoàn viên GĐPTTT  phải ý thức và tích cực tham dự, cũng như phải để Thánh lễ thấm nhuần cả đời sống hằng ngày của họ.

     Và cũng vì thế Vịêc Tôn sùng Thánh tâm Chuá nhấn mạnh đến việc đoàn viên dâng mình lên Chúa hằng ngày, qua hy lễ Chúa Giêsu, tức là mọi kinh nguyện, việc làm, vui buồn, công cuộc tông đồ, các thành công và thất bại, nói tóm lại tất cả mọi sự, mọi việc trong tay Chúa, để tôn vinh Thiên Chúa, cứu rỗi nhân loại, và cho nhu cầu của Hội Thánh Chúa.

Việc Dâng Mình không những thuộc nhiệm vụ tư tế phổ quát của người tín hữu giáo dân mà đồng thời còn là một chức năng nhân chứng nữa:
 “Những kẻ mà Người đã cho tham dự mật thiết vào sự sống và sứ mệnh của Người, Người cũng cho họ tham dự vào chức tư tế, để họ thực hành việc phụng tự thiêng liêng, hầu tôn vinh Thiên Chúa và cứu rỗi loài người. Bởi thế, vì giáo dân đã được Thánh hiến nhờ Đức Kitô và được Thánh Thần xức dầu, nên họ được mời gọi và được ban ơn cách lạ lùng để Thánh Thần sinh hoa trái nơi họ ngày càng phong phú hơn. Thực vậy mọi hoạt động, kinh nguyện và công cuộc tông đồ, đời sống hôn nhân và gia đình, công ăn việc làm thường ngày. Việc nghỉ ngơi thể xác và tinh thần, nếu họ chu toàn trong Thánh Thần, và cả đến những thử thách của cuộc sống, nếu họ kiên trì đón nhận, thì tất cả đều trở nên hiến lễ thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa, nhờ Chúa Giêsu Kitô, được thành kính dâng lên Chúa Cha cùng với Mình Thánh Chúa khi cử hành phép Thánh Thể. Như thế, giáo dân thánh hiến thế giới này cho Thiên Chúa nhờ biết phụng thờ Ngài, bằng hành động thánh thiện khắp nơi”. (Hiến chế Tín Lý về Giáo Hội, 34, CĐ Vaticanô 2)
Sống đời sống dâng mình có nghĩa là người (tín hữu) Đoàn viên GĐPTTT còn thực thi chức vụ Rao Giảng, làm chứng nhân cho Đức Kitô trước mặt mọi người bằng sự tôn trọng sự thật. Việc lấy chính đời sống của mình làm nhân chứng bắt nguồn từ đức tin, đức cậy và đức mến là khởi thủy và là điều kiện cho tinh thần tông đồ và không thể có gì để thay thế được.

Rước Lễ Đền Tạ
Vì Thánh Lễ cũng là một bàn tiệc, nên Đoàn viên GĐPTTT ngoài việc tham dự Thánh Lễ thường xuyên hay mỗi ngày nếu được, Công Đồng Vaticanô 2 còn khuyến khích việc rước Mình Chúa nguồn ơn thánh thiện, dấu chỉ của sự hợp nhất và thương yêu. Thánh Tâm Chúa ước muốn đoàn viên tham dự Thánh Lễ và Rước Lễ hằng ngày, nhưng ít nhất mỗi tháng một lần phải tham dự thánh lễ và rước lễ đền tạ.
      Đoàn viên GĐPTTT rước lễ với Ý CHỈ ĐỀN TA Chúa vì sự vong ân bội nghĩa và những xúc phạm của mình và nhân loại đối với Thánh Tâm Chúa, đối với Thánh Thể Chúa.
      Trong nghi thức nhập đoàn, trước khi giơ tay tuyên hứa với sự chứng kiến của linh mục chủ sự, đoàn viên thưa với Chúa: "Để yên ủi Thánh Tâm Chúa, con xin long trọng tuyên hứa cùng Chúa mỗi tháng Rước Lễ Đền Tạ ít nhất một lần"

      Trong nghi thức Dâng Mình, các thành viên trong BCH Đoàn, sau khi nhận sứ vụ, cũng tâm niệm với Chúa: "Chúng con không còn tham vọng nào khác, ngoài tham vọng sống chính sự sống của Thánh Tâm Chúa. Vì bí tích Thánh Thể là mạch thông sự sống ấy cho linh hồn, chúng con sẽ năng đến múc lấy sự sống ở nguồn mạch suối đó. Chúng con sẽ cổ động cho nhiều người đến dự Tiệc Thánh Chúa"…

---------000---------

 
THÁNH LỄ và HIỆU LỰC CỦA LỜI CẦU NGUYỆN
  "Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống để ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống." (Ga 6, 51)

1. THÁNH LỄ LÀ GÌ   
                
Thánh lễ hay Lễ tế Thánh Thể là hình thức thờ phượng cao trọng nhất trong Phụng vụ để Giáo hội tái diễn mỗi ngày lễ tế của Chúa Ki-tô trên Thánh giá, như Người đã truyền cho các Tông đồ : "Anh em hãy làm việc này để tưởng nhớ đến Thầy".

Trong thư thứ nhất gửi tín hữu Cô-rin-tô, thánh Phao-lô đã viết: "Thật vậy, đây là điều Chúa Giê-su đã dạy tôi, tôi xin truyền lại cho anh em. Trong đêm bị nộp, Chúa Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn rồi bẻ ra và nói "Anh em hãy cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy hy sinh vì anh em. Anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tường nhớ đến Thầy".

Cũng thế, cuối bửa ăn Người nâng chén và nói "Đây là chén máu Thầy, máu đổ ra để lập Giao ước mới, mỗi khi uống anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy". Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn bánh và uống chén này là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết. Vì thế, bất cứ ai ăn bánh hay uống chén của Chúa cách bất xứng thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa." (1Cr 11, 23-27)

Người tín hữu phải xác tín rằng Chúa Giê-su thực sự hiện diện trong Thánh lễ qua tác vụ tế lễ của các linh mục  để gặp gỡ ta và hiến mình cho ta qua Bí tích Thánh Thể. Do đó, Thánh lễ mang hai ý nghĩa :
  • Là một hy lễ của tình yêu
  • Là một bữa tiệc nói lên sự hiệp nhất

2. THÁNH LỄ VỚI BÍ TÍCH THÁNH THỂ

Thánh lễ và bí tích Thánh Thể là một. Đây là lễ tế Hội thánh cử hành để cùng một lúc thể hiện hai việc:
1. Tưởng niệm Chúa Ki-tô theo nghi thức bữa Tiệc ly như chính ý Người muốn bằng cách diễn ra dưới hình thức một bữa ăn chung để mọi người tham dự cùng ăn và cùng uống Mình Máu Thánh Chúa, hầu được thông phần vào cái chết và sự sống lại của Người.
2. Tạo nên giao điểm gặp gỡ giữa Chúa Ki-tô Phục sinh và Giáo hội bằng nghi thức tiếp diễn lễ hy sinh xưa trên Thập giá để Giáo hội được nên một với Chúa Ki-tô đang hiện diện cách nhiệm mầu trong Bí tích Thánh Thể.
Ngoài ra, lễ tế Thánh Thể là mức thể hiện cao nhất mầu nhiệm cứu độ mà Hội thánh tập trung cử hành để diễn tả:
  • Giáo hội xác tín Chúa Giê-su là con đường duy nhất dẫn tới sự sống đời đời.
  • Giáo hội quy chiếu đời sống vào cái chết của Chúa Giê-su khi lấy hết lòng tin tưởng và yêu mến mà cử hành lễ hy sinh của Người, đồng thời nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần mà trở thành nhiệm thể duy nhất của Chúa Giê-su để hướng tới Chúa Cha.
  • Giáo hội dâng Chúa Giê-su lên Chúa Cha làm của lễ để nhờ đó nhân loại được cứu chuộc.
  • Giáo hội xin Chúa Cha ban ơn phù trợ, nhờ công nghiệp của Chúa Giê-su.

3. NHIỆM VỤ CỦA LINH MỤC CHỦ TẾ
Linh mục là người được truyền chức thánh trong số những người được chọn để làm thừa tác viên trong Hội thánh. Nhiệm vụ của linh mục cũng giống như nhiệm vụ của các Tông đồ khi xưa. Đứng trước cộng đoàn tín hữu, linh mục vừa là đại diện Chúa Ki-tô vừa là dại diện của toàn thể Giáo hội, đặc biệt của cộng đoàn tín hữu đang tập trung chung quanh bàn thờ.
Sứ mệnh là do Chúa Giê-su ban cho, qua tay các vị kế nhiệm các Tông đồ. Thừa tác vụ đó bảo đảm rằng Thánh lễ đã vạn đại hóa cách hữu hiệu lễ hy sinh của Chúa Giê-su và được Chúa Cha chấp nhận.

4. HỘI THÁNH CỬ HÀNH THÁNH LỄ NHƯ THẾ NÀO
Thánh lễ gồm hai phần chính là Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ Thánh Thể. Hai phần này liên kết chặt chẽ với nhau làm thành một hành vi phụng thờ duy nhất.
1. Phụng vụ Lời Chúa
Phụng vụ Lời Chúa là phần đầu của Thánh lễ, được tiến hành như sau:
a.  Hội thánh cùng cộng đồng tín hữu tôn vinh thờ phượng  Chúa qua các phần:
  • Ca nhập lễ
  • Nghi thức sám hối và lời kinh thương xót
  • Kinh Vinh danh (có hoặc không tùy theo ngày lễ và mùa phụng vụ)
Lời nguyện nhập lễ
b. Cộng đồng tín hữu cùng nghe và suy gẫm những điều Chúa truyền dạy qua các bài đọc
  • Bài đọc 1 lấy từ  sách Cựu ước hoặc Tân ước
  • Đáp ca lấy từ Thánh vịnh
  • Bài đọc 2 lấy từ sách Tân ước (chỉ có trong lễ Chúa nhật và các đại lễ)
  • Bài Tin Mừng
  • Kinh Tin kính (chỉ đọc trong lễ Chúa nhật và các đại lễ)

2. Phụng vụ Thánh Thể.
Phần này bắt đầu từ khi chủ tế chuẩn bị bánh và rượu. Tiếp đến chủ tế rửa tay, đọc lời nguyện tiến lễ, kinh tiền tụng và làm lại các cử chỉ Chúa Giê-su đã truyền trong bữa Tiệc ly. Cũng trong phần này, Hội thánh và cộng đồng tín hữu cùng dâng lên Thiên Chúa lời kinh nguyện Tạ ơn, gồm có:
  • Kinh tiền tụng
  • Lời Truyền phép
  • Kinh Tạ ơn
  • Nghi thức chuẩn bị rước lễ và các kinh nguyện tiếp theo
  • Kinh Lạy Cha
  • Lời nguyện xin Chúa cứu khỏi mọi sự dữ và được sống an bình
  • Xin ơn bình an và hiệp nhất trong Hội thánh
Kinh Chiên Thiên Chúa và lời nguyện xin ơn rước lễ cho nên sau nghi thức rước lễ là phần kết lễ với:
  • Lời nguyện hiệp lễ
  • Phép lành cuối lễ và lời chúc bình an

5. Ý NGHĨA VỀ CÁC MẦU SẮC TRONG PHỤNG VỤ
Giáo hội ấn định mỗi mùa có một mầu riêng cho lễ phục với những ý nghĩa như sau:

1.  Mầu hồng: Chỉ dùng cho hai lần trong năm vào Chúa nhật thứ ba Mùa Vọng và Chúa nhật thứ tư Mùa Chay, diễn tả tâm tình vui mừng giữa không khí ăn năn, sám hối, để nâng đỡ các cố gắng đi cho hết đường.

2.  Mầu trắng : Là dấu chỉ của sự vui mừng, thanh khiết nên được dùng trong lễ Chúa Ba Ngôi, Lễ Thánh tâm Chúa Giê-su, lễ Mình và Máu Thánh Chúa, lễ Chúa Ki-tô Vua, các lễ về Đức Mẹ; lễ các thánh Thiên Thần; các thánh nam nữ hiển tu hoặc đồng trinh và suốt trong các mùa Giáng sinh, Phục sinh. Ngoài ra, vào các dịp lễ mừng đặc biệt, mầu vàng cũng thường được dùng thay mầu trắng như trong lễ mừng ngân khánh, kim khánh, lễ đầu năm mới, lễ cưới.

3.  Mầu đỏ : Biểu hiện của lửa và máu, được dùng trong lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống, các nghi lễ tưởng niệm cuộc thọ hình của Chúa Giê-su, lễ kính các thánh Tông đồ và lễ các thánh nam nữ tử đạo.

4. Mầu xanh lá cây : Mang ý nghĩa hy vọng dùng cho Mùa quanh năm.

5. Mầu tím : Chỉ sự thống hối, ăn năn, khổ hạnh và buồn sầu nên đuọc dùng trong Mùa Vọng, Mùa Chay, khi cử hành bí tích Xức dầu, bí tích Giải tội và phần đầu của bí tích Thanh tẩy.

6. Mầu đen : Tượng trưng cho sự tăm tối, chết chóc và trước đây được dùng riêng cho lễ an táng, lễ cầu hồn. Hiện nay Giáo hội dùng mầu tím để thay cho mầu đen trong các nghi lễ này.

6. THÁNH LỄ TRONG ĐỜI SỐNG KI-TÔ HỮU
Thánh lễ là trọng tâm hiệp nhất cộng đồng dân Chúa khi mọi người cùng quy tụ chung quanh bàn tiệc Thánh Thể.  Trong lễ, Chúa hiện diện, bẻ bánh và chia cho tất cả mọi người một cách thiêng liêng qua trung gian linh mục, như xưa Người đã làm trong bữa Tiệc ly. Thánh lễ cũng là giờ phút Hội thánh và cộng đồng tín hữu hiệp thông trong lời cầu nguyện, nhân danh Chúa Giê-su, nhờ Chúa Giê-su và cùng với Chúa Giê-su dâng lên Chúa Cha mọi lời tôn vinh chúc tụng.
Lễ tế Thánh Thể là nguồn mạch tất cả đời sống của Giáo hội và là điểm quy tụ hết mọi bí tích. Bởi thế, rước lễ là cách thế hoàn hảo nhất để lãnh nhận hiệu quả của Thánh lễ, khi ta lấy hết lòng mến yêu tin tưởng mà tham dự hay cử hành.
Hiệu quả của lễ tế này trải ra vô tận chứ không chỉ thu hẹp lại nơi những người rước lễ, bởi lẽ Chúa Giê-su đã chịu chết và sống lại cho mọi người, thì lễ tế của Người cũng sinh ơn ích thiêng liêng cho mọi người qua việc cộng đoàn tham dự hiệp thông với dân Chúa trên khắp hoàn cầu, và linh mục chủ tế cầu nguyện cho cả người sống lẫn kẻ chết.

7. NHỮNG HIỆU QUẢ CỦA THÁNH LỄ
1. Trong Thánh lễ, Chúa Giê-su hiện thực hóa lễ tế duy nhất của Người đã hoàn tất khi xưa trên thập giá và được vạn đại hóa nhờ sự phục sinh của Người.
2. Trong lễ tưởng niệm bây giờ, Giáo hội hiệp nhất với  Chúa Thánh Thần, dâng Chúa Giê-su lên Chúa Cha và dâng chính đời sống mình để mỗi ngày nhờ Chúa Thánh Thần, được hiệp thông với Chúa Giê-su cách sâu sắc hơn.
3. Bánh và rượu được biến đổi bản thể thành mình và Máu  Chúa Giê-su như thế nào, thì những người  rước lễ cũng được biến đổi trong Người như vậy. Linh mục chủ tế là thừa tác viên của Chúa Giê-su và Hội thánh là người bảo đảm cho việc cử hành này được thánh hiến đích thực.
4. Nhờ thánh lễ người tín hữu kết hợp được với Chúa Giê-su và Chúa Thánh Thần trong lòng Chúa Cha.
5. Thánh lễ là một hy lễ có hiệu lực tạ ơn, tha tội, đền tội và cầu nguyện cho người sống cũng như kẻ chết (Công đồng Trento, Dz 940 950).

8. CẦU NGUYỆN LÀ GÌ ?
Cầu nguyện là bày tỏ niềm trông cậy vào Thiên Chúa với tâm tình tạ ơn và nhận biết thân phận thụ tạo của mình trước mặt Người. Nói cách khác, cầu nguyện là nâng tâm hồn lên cùng Chúa, là kết hợp với Người.

9. CÁC HÌNH THỨC CẦU NGUYỆN
Có rất nhiều cách cầu nguyện và tất cả đều tùy ở lòng tin của tín hữu, khi muốn đặt mình trước Nhan Thánh Chúa, như con cái đối với cha mẹ, để bày tỏ với Người mọi tâm tư, ước nguyện.
1.  Có thể cầu nguyện một mình trong nơi yên vắng bằng lời lẽ riêng của chính mình.
2. Có thể tham dự chung với cộng đoàn, tập thể hay nhóm nhỏ bằng Các giờ kinh phụng vụ hay một số kinh nguyện chung hoặc bằng lời ca tiếng hát.
3. Có thể cầu nguyện theo đúng ý Chúa Giê-su đã dạy các Tông đồ khi xưa bằng Kinh Lạy Cha. Kinh này có hai phần ý nghĩa rõ rệt: phần đầu huóng về Thiên Chúa và phần cuối hướng vào đời sống con người.
4. Cũng có thể biến cả đời sống trở thành kinh nguyện, nghĩa là luôn cảm thấy Đức Ki-tô có mặt trong mọi sinh hoạt của mình, đồng thời quy chiếu tất cả những sinh hoạt ấy theo những điều Người đã truyền dạy.

10. HIỆU LỰC CỦA LỜI CẦU NGUYỆN
Cầu nguyện không phải chỉ là xin ơn, dù trong tư thế là con cái ta có quyền xin Thiên Chúa ban cho ta những điều tốt lành. Cầu nguyện còn có nghĩa là tạ ơn, tôn thờ, ca tụng Thiên Chúa. Đời sống thiêng liêng của tín hữu chỉ có thể được củng cố và tăng triển nhờ việc cầu nguyện thường xuyên. Bởi vì:
1. Cầu nguyện giúp cho ta dễ đến gần Thiên Chúa và sống kết hiệp mật thiết với Người hơn.
"Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai luôn kết hợp với Thầy và Thầy luôn kết hợp với người ấy thì người ấy sinh hoa kết quả dồi dào, vì không có Thầy anh em không làm gì được"  (Ga 15, 5)
2. Cầu nguyện đưa ta đến với Thiên Chúa, tạo ra một cuộc đối thoại thân tình với Người. Khi cầu nguyện, ta có thể chân thành nói với Người về tất cả những gì làm ta bận tâm, xao xuyến hay lo lắng sầu khổ.
3. Cầu nguyện giúp cho tâm hồn ta được bình an, độ lượng với mọi người và thực sự khiêm nhường, thương yêu, bởi vì khi cậy trông và phó thác, ta  sẽ thấy bao nhiêu lo âu, xao xuyến, hận thù, gay gắt, chán chường và mệt mỏi đều có thể giảm bớt hay tiêu tan trước nhan thánh Chúa.
4. Cầu nguyện làm tăng thêm đức tin cho tín hữu.
Tóm lại, cầu nguyện là thái độ sống mà mỗi Ki-tô hữu cần phải có, phải thực hiện thường xuyên bất cứ ở đâu, trong hoàn cảnh nào như Đức Ki-tô đã nhắc nhở các Tông đồ:
"Anh em phải canh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ, vì tinh thần thì hăng hái nhưng xác thịt lại yếu hèn"  (Mc 14,38)

PHẦN GỢI Ý THÊM
1.Bạn đã tham dự Thánh lễ lần nào chưa? Nếu đã tham dự, bạn có cảm nghĩ như thế nào ?
2. Bạn đã từng cầu nguyện chưa? Dù với bất cứ niềm tin nào, bạn có cảm thấy đã được ơn đặc biệt cho mình không ?
3. Bạn thích cách cầu nguyện nào nhất? Tại sao ?
4. Bạn hiểu thế nào về ý nghĩa của Thánh lễ ?



chienhien Tổng hợp

1 nhận xét:

  1. Vi thoi gian qua chienhien.blogspot co su gian doan,
    ly do bi Firewall nn cac Ban thong cam
    chienhien

    Trả lờiXóa