Trang

Thứ Năm, 15 tháng 12, 2011

20. Công giáo tiến hành.

    GIÁO HUẤN CỦA GIÁO HỘI

VỀ HOẠT ĐỘNG TÔNG ĐỒ GIÁO DÂN
               --------ooo--------
SẮC LỆNH TÔNG ĐỒ GIÁO DÂN
 (APOSTOLICAM  ACTUOSITATEM)
                 (tiếp theo)

Chương IV
Các Phương Thức Hoạt Ðộng Tông Ðồ 9*

*** 20. Công giáo tiến hành.

Từ vài chục năm nay, trong nhiều quốc gia, giáo dân càng ngày càng dấn thân vào hoạt động tông đồ. Họ qui tụ lại với nhau dưới nhiều hình thức hoạt động cũng như lập thành các hội đoàn. Những tổ chức này đã và đang theo đuổi những mục đích thuần túy tông đồ mà vẫn liên kết chặt chẽ với Hàng Giáo Phẩm. Trong số những tổ chức ấy cũng như cả các tổ chức tương tự đã có từ trước, đặc biệt phải nhắc đến những tổ chức dầu theo những tiêu chuẩn hoạt động khác nhau nhưng đã đem lại nhiều kết quả phong phú cho nước Chúa Kitô. Các Ðức Giáo Hoàng và một số đông các Giám Mục đã có lý khi tín nhiệm và cổ võ những tổ chức này và đặt cho danh hiệu Công Giáo Tiến Hành. Do đó những hoạt động ấy thường được diễn tả như một sự cộng tác của giáo dân vào việc tông đồ của Hàng Giáo Phẩm 8.
Những hình thức tông đồ này, dù mang danh hiệu Công Giáo Tiến Hành hay một danh hiệu nào khác, vẫn đang thực hiện một việc tông đồ quí giá ở thời đại chúng ta. Những tổ chức ấy phải hội đủ những yếu tố sau đây:

1- Mục đích trực tiếp của tổ chức này phải là mục đích tông đồ của Giáo Hội, nghĩa là rao truyền Phúc Âm và thánh hóa nhân loại, và đào tạo cho con người một lương tâm Kitô giáo đích thực để họ có thể đem tinh thần Phúc Âm thấm nhập vào mọi cộng đoàn cũng như mọi lãnh vực của đời sống.

2- Trong khi cộng tác với Hàng Giáo Phẩm theo thể thức riêng của mình, người giáo dân đảm nhận trách nhiệm và đem kinh nghiệm riêng để điều hành các tổ chức này, tìm những điều kiện thích hợp cho hoạt động mục vụ của Giáo Hội cũng như để soạn thảo và theo đuổi một chương trình hành động.

3- Người giáo dân hoạt động liên kết với nhau như các cơ quan trong thân thể, điều đó dễ nói lên ý nghĩa cộng đoàn của Giáo Hội và làm cho việc tông đồ được hữu hiệu hơn.

4- Người giáo dân hoạt động dưới sự điều khiển của chính Hàng Giáo Phẩm, dù họ tự nguyện dấn thân, hoặc được mời hoạt động và cộng tác trực tiếp vào việc tông đồ của Hàng Giáo Phẩm. Hàng Giáo Phẩm có thể thừa nhận sự cộng tác này bằng sự "ủy nhiệm" minh nhiên.

Những đoàn thể nào mà giáo quyền xét thấy hội đủ những yếu tố vừa kể đều được coi là Công Giáo Tiến Hành, mặc dù những tổ chức đó mang những hình thức và danh hiệu khác nhau tùy theo đòi hỏi của từng địa phương và của mỗi dân tộc.

Thánh Công Ðồng ân cần giới thiệu những định chế này vì chắc chắn chúng đáp ứng đúng những đòi hỏi của việc tông đồ của Giáo Hội trong nhiều quốc gia. Thánh Công Ðồng cũng kêu mời các linh mục hoặc giáo dân đang tham gia các hoạt động trên hãy thể hiện những tiêu chuẩn vừa kể mỗi ngày một hơn, và hãy luôn luôn lấy tình huynh đệ mà cộng tác với các hình thức tông đồ khác trong Giáo Hội.

21. Tôn trọng các đoàn thể tông đồ.

 Mọi đoàn thể tông đồ phải được đánh giá đúng mức. Tuy nhiên, những đoàn thể tông đồ mà Hàng Giáo Phẩm, tùy theo đòi hỏi của từng địa phương và từng thời đại đã khen ngợi, giới thiệu và truyền lệnh thành lập như những đòi hỏi cấp bách hơn, những đoàn thể đó phải được các linh mục, các tu sĩ và các giáo dân coi là rất quan trọng và mỗi người phải cổ võ những đoàn thể đó tùy theo cách thế riêng của mình. Trong số những đoàn thể đó ngày nay đặc biệt phải kể đến những đoàn thể hay hiệp hội công giáo có tính cách quốc tế.

22. Giáo dân dấn thân phục vụ Giáo Hội với tước hiệu đặc biệt.

 Thật đáng kính trọng và đặc biệt đề cao trong Giáo Hội những giáo dân, hoặc độc thân hoặc đã có gia đình, đang dấn thân và đem khả năng chuyên môn của mình phục vụ suốt đời hoặc một thời gian trong các tổ chức và hoạt động của các tổ chức ấy. Giáo Hội cũng rất vui mừng vì thấy càng ngày càng tăng số giáo dân phục vụ trong các đoàn thể hoặc trong các công cuộc tông đồ ở lãnh vực quốc gia mình cũng như trên địa hạt quốc tế và nhất là trong các cộng đoàn công giáo nơi các xứ truyền giáo và ở những Giáo Hội mới thành hình.
Các vị Chủ Chăn của Giáo Hội hãy sẵn sàng đón nhận và biết ơn những giáo dân này và phải lo cho họ có thật đầy đủ điều kiện do đức công bình, liêm chính và đức bác ái đòi hỏi, nhất là lo trợ cấp cho họ và cả gia đình họ để họ có được một đời sống xứng đáng. Ngoài ra còn phải lo cho họ được huấn luyện đầy đủ cũng như được trợ giúp và khích lệ về mặt thiêng liêng.
BTH




Thứ Năm, 8 tháng 12, 2011

SUY NIỆM

08/12/11 thứ năm tuần 2 mvĐức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội
Lc 1,26-38

không có gì là không thể
“…Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” (Lc 1,36-37)

Suy niệm: Con người ngày nay âu lo vì sống trong môi trường ô nhiễm: ăn rau thì lo dư lượng thuốc trừ sâu, mua trứng thì sợ trứng gà nhân tạo, thậm chí ăn chay với nước tương cũng sợ chất gây ung thư… Nạn ô nhiễm môi trường sinh học cảnh báo một sự ô nhiễm khác đang tàn phá ở tầng sâu hơn của đời sống con người, đó là sự ô nhiễm tinh thần, bị lộ diện qua tình trạng gian dối bất công tràn lan trong môi trường giáo dục, qua tính chất bạo lực và khiêu dâm trong lĩnh vực truyền thông và giải trí… Phải chăng con người bó tay trước vấn nạn nhức nhối này bởi vì biết bao nhiêu biện pháp khắc phục mà dường như không có hiệu quả? Đức Maria làm chứng và củng cố niềm hy vọng cho chúng ta bằng chính đời sống mẫu gương của Mẹ: sống vô nhiễm ở giữa môi trường ô nhiễm để thanh luyện và thánh hoá nó bởi vì ngài luôn phó thác trong niềm tin tưởng rằng “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.

Mời Bạn: Bạn cũng “vô nhiễm” giống Mẹ khi bạn được tái sinh và được thánh hiến trong Bí tích Rửa Tội. Được thánh hiến như thế không phải để bạn rút lui, không “dính bén” gì với thế gian này kẻo lại bị ô nhiễm, mà trái lại, bạn được đặt để như “sen giữa lầy,” chẳng những “không hôi tanh mùi bùn” mà còn toả hương làm cho thế giới này tốt đẹp hơn nhờ đời sống thánh thiện của bạn. Mời bạn luôn học gương Đức Maria để sống vô nhiễm giữa một môi trường ô nhiễm.

Sống Lời Chúa: Thường xuyên lãnh nhận Bí tích Hòa giải để sống chứng nhân thánh thiện như “sen giữa lầy.”

Cầu nguyện: Lạy Mẹ Maria, xin gìn giữ hồn xác con trong sạch, để như Mẹ, con luôn được có Chúa ở cùng.

Thứ Ba, 6 tháng 12, 2011

LỜI GIỚI THIỆU WEBSITE GĐPTTTCG TGP SAIGON

"ĐỔI MỚI - HIỆP THÔNG - CHU TOÀN SỨ VỤ LOAN BÁO TIN MỪNG"
  
 Ngày nay, nền văn minh nhân loại đã bước vào thiên kỷ thứ ba với thành tựu khoa học vượt bậc, đời sống con người được nâng cao, nhờ các phương tiện, tiện nghi hiện đại giúp cho công việc đạt hiệu quả; nhanh hơn, nhiều hơn, chính xác cũng như chất lượng cao hơn, tạo ra của cải vật chất phong phú phục vụ cho cuộc sống con người được đầy đủ hơn.
Trong lãnh vực khoa học Truyền Thông hiện nay; phương tiện mạng Internet là một trong những ngành khoa học đạt những thành tựu ưu việt, đó là ngành công nghệ Thông tin Tin Học, công nghệ này có khả năng chuyển tải tín hiệu, ngôn ngữ, hình ảnh giúp ích cho con người giao tiếp, đối thoại, bày tỏ, trao đổi để hiểu biết lẫn nhau, qua những thông tin tức thời của mọi dân tộc đang sống khắp nơi trên trái đất, và người ta có thể nói chuyện trao đổi với nhau bằng hình ảnh sống động từ bất cứ nơi nào trên thế giới, núi cao, rừng thẳm ngay cả trong vũ trụ bao la…cả trong lòng đại dương.
Sự phát triển những công nghệ mới về thế giới kỹ thuật số đã mở ra một “xa lộ thông tin” mênh mông, đây chính là tài nguyên lớn lao dành cho toàn nhân loại, sự phát triển này thúc đẩy sự giao lưu, gặp gỡ và đối thoại lẫn nhau. Điều này cũng tạo ra một cơ hội to lớn dành cho các tín hữu. Không một cửa ngõ nào có thể đóng lại trước những người nhân danh Chúa Kitô Phục sinh muốn dấn thân tới gần người khác.(Trích *Sứ điệp của ĐTC Bênêđictô XVI nhân ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội lần thứ 44)


 Truyền Thông GĐPTTTCG TGP SAIGON được thành lập với Linh Đạo Truyền Thông Công Giáo
1. Loan báo Chân lý Tin Mừng.
2. Hiệp thông xây dựng nền văn minh tình thương & văn hoá sự sống.
3. Khai mở dòng chảy hiệp thông
 Cũng như Sứ điệp của ĐTC Bênêđictô XVI nhân ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội lần thứ 44.  Với mục tiêu ứng dụng ngành khoa học “Thông tin toàn cầu” mang tính ưu việt này vào trong đời sống và nhất là biết vận dụng công cụ này vào công cuộc loan báo Tin Mừng và hiệp thông chia sẻ tình thương với anh em đồng bào và đồng loại.
ĐTC đã hình dung ra thị kiến của ngôn sứ Isaia, mạng Internet là một ngôi nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc (x. Is 56, 7), và chúng ta nhìn thấy mở ra một không gian giống như “hành lang của dân ngoại” trong Đền Thờ Giêrusalem dành cho những người chưa biết Chúa.
Và ĐTC đã nhắc lại lập luận sắc bén của Thánh Phao Lô :

“Thế nhưng:
- Làm sao họ kêu cầu vị Chúa mà trước tiên không tin vào Ngài?
- Làm sao tin Đấng họ không được nghe?
- Làm sao nghe, nếu không có ai rao giảng?
- Làm sao rao giảng, nếu không được sai đi?”  (Rm 10, 11,13-15).

 Vào thời xa xưa, Thiên Chúa đã dùng các Ngôn Sứ để “Loan truyền” cho loài người về tình thương và ý định cứu chuộc của Thiên Chúa, thì ngày nay mọi Kitô Hữu cũng tiếp tục Sứ Vụ loan truyền ơn cứu rỗi …
Hôm nay vẫn nối tiếp công cuộc như Lời Chúa đã truyền dạy các Môn đệ trước khi về trời : 15"Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” (Mc 16, 15)

Đạo đức trong Internet

Internet là phương tiện truyền thông tuyệt vời mang lại rất nhiều ích lợi nhưng cũng sẽ gây nên những thiệt hại khôn lường nếu chúng ta không giữ những nguyên tắc đạo đức trong Internet (x. Huấn thị của Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông, Đạo đức trong Internet, số 1-18). Việc thông tin phải tôn trọng phẩm giá con người và cộng đồng con người, phải phục vụ công ích và cổ vũ tình liên đới. Vì thế, những gì xúc phạm, gây thiệt hại cho con người, như những hình ảnh khiêu dâm, đồi truỵ, những tin đồn thất thiệt không tôn trọng sự thật, những tin tức gây chia rẽ, hiểu lầm, tạo nên sự thù địch, bất công… đều không thấy xuất hiện trên website này.(TT Công Giáo)


MỤC ĐÍCH Website:

GĐPTTTCG TGP SAIGON được mở ra với mục đích : Loan truyền hồng ân cứu độ của Thiên Chúa.
Bằng những phương tiện hiện đại, chuyển tải thông Tin kịp thời những sinh hoạt của GĐPTTTCG TGP SAIGON cùng với những sinh hoạt của các ĐTCGTH không ngừng thể hiện sức sống Niềm Tin. Nơi đây giới thiệu nếp sống KiTô Giáo đích thực, cách sống, cách giữ đạo cùa các cộng đoàn dân Chúa, tạo trang học tập cho mọi người, mở ra sân chơi bổ ích cho các giới, nhất là các bạn trẻ...trong Tổng Giáo Phận.


TÔN CHỈ VÀ MỤC ĐÍCH ĐTCGTH/GĐPTTTCG

A.  TÔN CHỈ

  Hợp nhất với Chúa Giêsu yêu thương cứu độ nhân loại.  Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu (GĐPT. TTCG) là một tổ chức tông đồ giáo dân, chuyên việc cầu nguyện và hoạt động Tông Đồ trong sự hợp nhất với Chúa yêu thương cứu độ nhân loại.  Gia Đình lấy việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa và đời sống hiệp thông thường xuyên với Chúa làm nền tảng cho mọi hoạt động tông đồ của mình.  Đồng thời lấy việc bước theo Chúa yêu thương đến cùng và khiêm tốn phục vụ cho sự sống dồi dào cùng sự phát triển toàn diện và vững bền của gia đình nhân loại, làm đường lối hoạt động tông đồ của mình.

B.  MỤC ĐÍCH.  

 Loan truyền Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô.  GĐPT.TTCG  hướng đời sống cầu nguyện và mọi hoạt động tông đồ  vào mục đích loan truyền Tin Mừng Sự Sống và Tình Thương của Chúa, cùng kiên trì nỗ lực chung sức với mọi người vun đắp lối sống văn hoá sự sống và văn minh tình thương cho gia đình nhân loại, bắt đầu từ gia đình mình.

C.  LINH ĐẠO

 “Lấy tình yêu đáp lại tình yêu”.  GĐPT.TTCG quyết tâm tiến bước trên đường tình yêu của Chúa Giêsu, nhằm thắp lên ngọn lửa yêu thương của Chúa trong lòng mọi người, mọi gia đình, mọi  môi trường sống, để cộng tác với Chúa biến đổi  tất cả trở nên muối men và ánh sáng Tin Mừng Sự Sống và Tình Thương của Chúa trong lòng xã hội hôm nay.  Nhờ đó, GĐPT.TTCG trở thành Giáo Hội tại gia, Giáo Hội Chúa Giêsu hiện diện ở giữa dân Người, Giáo Hội vì loài người.
     Phạt Tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu có nghĩa là :
-  Đền tạ những sai sót lỗi lầm mà con người xúc phạm đến Thánh Tâm Chúa,
-  Ý thức tín thác hoàn toàn vào tình yêu và lòng thương xót vô biên của Chúa đối với gia đình nhân loại,
-  Và quyết tâm loan báo Tin Mừng cùng mở rộng Nước Chúa là Nước chan hoà ánh sáng Chân Lý và Tình Yêu, ánh sáng an bình.
۞۞۞

SUY NIỆM -

07/12/11 thứ tư đầu tháng tuần 2 mvTh. Ambrôxiô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh
Mt 11,28-30

học với thầy giêsu

“Anh em hãy học với tôi vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.” (Mt 11,29)

Suy niệm: Các bậc võ sư công phu đã đạt tới mức thượng thừa bao giờ cũng có những ngón đòn ruột, những thế võ bí truyền mà các vị chỉ dạy cho những môn đệ thân tín nhất, những người trung thành và có khả năng kế thừa sự nghiệp của mình. Ngón bí truyền mà Thầy Giê-su dạy chúng ta “hãy học với Chúa” không phải là khả năng làm phép lạ chữa bệnh hay trừ quỉ, càng không phải là tài giảng thuyết hùng biện hấp dẫn. Đó là những đòn tuyệt chiêu đem lại chiến thắng trước kẻ thù hung hãn nhất là ma quỉ.
· Đòn số Một: Hiền Lành, đòn này có thể khuất phục tất cả mọi thứ bạo lực.
· Đòn số Hai: Khiêm Nhường, liên hoàn với đòn số một, có khả năng hoá giải được cả nọc độc kiêu căng của ma quỉ.

Mời Bạn: Lắm khi chúng ta tưởng lầm rằng hiền lành và khiêm nhường là dấu hiệu của sự yếu đuối, khiếp nhược hèn hạ. Xin bạn nhớ cho rằng nhờ hiền lành và khiêm nhường mà Thầy Giê-su đã tiêu diệt được tội lỗi và sự chết. Cứ chiêm ngắm cuộc đời và nhất là cuộc thương khó của Ngài thì rõ.

Chia sẻ: Cần phải có nghị lực thật mạnh mẽ và tâm hồn thật cao thượng mới có thể dùng “hiền lành và khiêm nhường” để chiến thắng bạo lực và kiêu căng. Bạn thảo luận xem có thật như thế không.

Sống Lời Chúa: Chiêm ngắm những biến cố trong cuộc đời Chúa Giê-su, đặc biệt trong cuộc thương khó của Ngài để thấy được đức “hiền lành và khiêm nhường” của Chúa, để mến phục, thấm nhiễm và sống như Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su hiền lành và khiêm nhường vô cùng, xin dạy con biết sống như Chúa.

Thứ Hai, 5 tháng 12, 2011

SUYNIỆM THỨ BA TUẦN 2 MV

06/12/11
Th. Nicôla, giám mục
Mt 18,12-14

cách tính toán của chúa

“Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc?” (Mt 18,12)

Suy niệm: Nếu không coi con chiên lạc là quý thì người mục tử ắt hẳn đã không lặn lội đi tìm. Vả lại nếu tính toán theo giá trị kinh tế, thì người ấy ắt hẳn không chấp nhận công thức 1 > 99 để bỏ cả đàn chiên lại trên núi mà đi tìm con chiên lạc. Đối với Thiên Chúa, mỗi một con người đều có một giá trị không thể thay thế cho dù người đó là tội nhân. Bởi thế bất cứ ai lầm đường lạc lối, đều được Ngài yêu thương, và lặn lội đi tìm như thể trên thế gian này chỉ có một người ấy: “Con Người đến để tìm cứu chữa những gì hư mất” (Lc 19,10).

Mời Bạn: Nếu suy nghĩ với một đầu óc thực dụng, chúng ta sẽ không thể hiểu được tại sao “1” lại có giá trị hơn “99.” Trái lại, điều này sẽ trở nên rất dễ hiểu nếu chúng ta suy nghĩ theo lý lẽ của con tim; tựa như người mẹ lạc con, bà cũng sẽ coi mọi sự khác là không đáng kể và tất tả đi tìm đứa con bị lạc vậy.

Chia sẻ: Khi trong cộng đoàn có người làm điều sai lỗi, chúng ta dễ có thái độ nóng nảy kết án, tranh cãi
hơn thua, từ đó, đánh mất tình bác ái huynh đệ, xúc phạm danh dự của nhau. Để tránh tình trạng đó, chúng ta phải làm gì?

Sống Lời Chúa: Để mở đường cho người tội lỗi hối cải, trước tiên bạn biết sám hối tội lỗi của mình và thường xuyên cầu nguyện cho người tội lỗi có lòng ăn năn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa không muốn con đi lạc xa đường lối Chúa và Chúa cũng không muốn con cầu an thụ động khi anh em con lầm đường lạc lối. Xin cho con luôn biết dấn thân phục vụ vì vinh danh Chúa và vì lợi ích thiêng liêng cho anh chị em con. Amen.

Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2011

Chúa Nhật Tuần 2 MV – B

04/12/11 Mc 1,1-8

dọn đường chúa đến

“Hãy dọn sẵn con đường Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi.” (Mc 1,3)

Suy niệm: Để xây dựng đất nước văn minh, việc phát triển hệ thống đường sá hiện đại là một yêu cầu tiên quyết. Bởi thế mà muốn biến các vùng đất hoang vu thành đô thị, khu công nghiệp, v.v… thì việc đầu tiên là phải làm đường; còn ở chính các đô thị, nếu hệ thống đường sá không kịp nâng cấp, mở rộng thì sẽ xảy ra cảnh ùn tắc giao thông làm chậm trễ mọi sinh hoạt, chưa nói tới hậu quả là tai nạn giao thông gia tăng, gây hại cho biết bao nhân mạng và tài sản. Nhưng đó là chuyện những con đường vật chất để phát triển cuộc sống ở đời này. Trong mùa Vọng, Tin Mừng mời gọi chúng ta “sửa đường” nhưng là sửa những con đường tâm linh để chuẩn bị mừng kỷ niệm việc Chúa nhập thể làm người hơn hai ngàn năm nay và đón tiếp Ngài sẽ đến với chúng ta bây giờ và trong ngày quang lâm.

Mời Bạn:
Dọn đường! Bạn đừng nghĩ là chỉ đi xưng tội, trong khi con đường giao lưu giữa người với người
đã bị tắc nghẽn vì giận hờn, ghen ghét… Ở bên nhau mà vẫn như nghìn trùng xa cách.

Sửa đường! Bạn hãy nghĩ đến những ơ hờ lạnh nhạt đối với Chúa, gian dối với Ngài, với người khác và với chính mình, những hố sâu của tham lam, những khúc quanh của dối trá, những gồ ghề của ngang ngạnh…

Chúa đang cần đi trên những con đường lòng chính trực, đơn sơ, hiền hòa, khiêm tốn đón nhận giáo huấn của Chúa, biết hy sinh chính mình để phục vụ tha nhân.

Sống Lời Chúa: Xét mình xem tôi đang đi trên con đường nào, và cần sửa chữa ra sao.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, mỗi khi tham dự Thánh lễ, xin cho con biết dọn mình xứng đáng để rước Chúa vào lòng.

Thứ Năm, 1 tháng 12, 2011

HỌP BAN TUYÊN HUẤN

      GĐPTTT CHÚA GIÊSU
TỔNG GIÁO PHÂN SÀI GÒN
        BAN TUYÊN HUẤN
                                   -oOo-

(Thường kỳ tháng 12/2011)
·         Thời gian họp bắt đầu lúc 8g30 ngày 01/12/2011
·         Địa điểm họp : tại Hội trường Giáo xứ Bùi Phát
·         Nội dung buồi họp : ĐỊNH HƯỚNG HOẠT ĐỘNG NĂM 2012
                 “Đổi mới để  Hiệp Thông & chu toàn sứ vụ Loan Báo Tin Mừng”
·         Thành phần tham dự buổi họp gồm :
-          BCH GĐPTTTCGS giáo phận :
§  Anh Giuse Phạm Minh Lý                 Phó BCH GĐPTTTCGS TGiáo phận SG
§  Anh Giuse Bùi Văn Luận                  Tổng Thư Ký BCH GĐPTTTCGS TGiáo phận SG
§  Anh Luca Trần Văn Tài                     Thư Ký 2 BCH GĐPTTTCGS TGiáo phận SG
-          Ban Tuyên Huấn                                          
§  Anh  Đaminh Phan Văn Hùng Trưởng Ban Tuyên Huấn
§  Cùng các Ủy viên trong Ban Tuyên Huấn GĐPTTTCGS các Hạt

PHẦN I :  Đọc kinh Khai mạc  và suy niệm lời, giới thiệu và điểm danh thành viên

PHẦN II  : Tổ chức - nhiệm vụ  Ban Tuyên Huấn.

§  Anh  Đaminh Phan Văn Hùng Trưởng Ban Tuyên Huấn đã nói lên tầm quan trọng của thành viên BTH là những người được tuyển chọn trong hàng ngũ Ban Chấp Hành qua một cuộc bầu cử. Ban Tuyên Huấn là một bộ phận không kém phần quan trọng, giữ vai trò duy trì và thăng tiến ‘sức sống của Đoàn’, nên cần đến những người có khả năng, có lòng nhiệt thành, được cử vào các phân ban có nhiệm vụ  như sau :
a)     Nghiên cứu chương trình huấn luyện dài hạn và ngắn hạn. Soạn thảo các đề tài học hỏi cho các buổi tĩnh tâm, tĩnh huấn và trình lên Ban Chấp Hành Giáo Phận và Cha Tổng Linh Hướng xét duyệt. (Cần thấu triệt đường lối của Gia Đình Công Giáo Tiến Hành qua các tài liệu được phổ biến, để hoạch định chương trình huấn luyện, học hỏi theo đúng tinh thần và hướng đi của ĐT/GĐPTTTVN.)
b)     Thu thập tình hình sinh hoạt thực tế và phổ biến các tài liệu huấn luyện cho GĐPTTT các cấp và các Xứ Đoàn.
c)     Liên hệ với các Trưởng Ban Chuyên Môn: Phụng Vụ, Kế hoạch phát triển, BAXH, Truyền Thông, cùng bàn bạc và tháo gỡ, giải quyết các vấn đề bất cập để cho công việc sinh hoạt được hoàn hảo hơn.
d)    Chọn và hướng dẫn Ủy viên cầm cờ, sử dụng cờ đúng tư thế trong các Nghi Lễ.
e)     Liên hệ với Ban Tuyên Huấn của các Đoàn trực thuộc để thu thập ý kiến, giúp cho việc huấn luyện và học hỏi của các Đoàn được kết quả đúng theo nhu cầu.

PHẦN III  :  Kế hoạch củng cố và phát triển.

Anh Trưởng Ban thông báo BCH  Ban Tuyên Huấn  đã được sự nhất trí của BCH Tổng Giáo Phận SG và các UV Ban Tuyên Huấn là :
Anh Đaminh  Phan Văn Hùng                  Trưởng Ban Tuyên Huấn Tổng Giáo Phận SG
Anh Antôn     Nguyễn Bích Tân               Phó Ban Tuyên Huấn Tổng Giáo Phận SG
Anh Luca       Trần Văn Tài                      Thư ký Ban Tuyên Huấn Tổng Giáo Phận SG

1.      Ban Tuyên Huấn các cấp, từng bước kiện toàn sinh hoạt cùng nhau tham gia học tập nâng cao kiến thức chuyên môn, theo các phân ban Giáo Phận như sau:
*     Ban nghiên cứu Biên Soạn: Soạn thảo Tài Liệu học tập, huấn luyện từ căn bản đến chuyên sâu, chương trình tĩnh huấn, các nghi thức, các chương trình cầu nguyện kinh Tôn Vương, Đền Tạ, sinh hoạt trong Đoàn …
*    Phối hợp với Ban Truyền Thông (PR) giới thiệu rộng rãi các tài liệu học tập qua các phương tiện: Nội san Lửa Mến, Bản Tin nội bộ, Website, Videoclip, Slideshow …v.v.
*     Ban Huấn Luyện gồm có các tiểu ban :
1. Tiểu ban kế hoạch - (Tổ chức hoạch định chương trình)
Q      MC, linh hoạt viên (dẫn chương trình + Văn nghệ sinh hoạt làm sống động chương trình).
Q      Tiểu Ban Thuyết Trình: giới thiệu, triển khai tài liệu trong các buổi huấn luyện, học tập, tĩnh huấn…(Truyền đạt ý tưởng)
2.      Phối hợp kế hoạch để tổ chức ít nhất 02 lớp/năm tập huấn từ căn bản đến chuyên sâu cho BCH các cấp và Đoàn viên. (Cấp xứ Đoàn, Hạt ...)
3.      Biên soạn bổ sung những hướng dẫn thi hành Nội Quy, dùng làm kim chỉ nam cho các cấp thực hành.
4.      Biên soạn các tài liệu cơ bản sinh hoạt thường kỳ của Đoàn thể GĐPTTT, nhất là về hướng dẫn phụng vụ trong sinh hoạt Đoàn và BCH các cấp.
5.      Củng cố Đoàn GĐPTTT bằng cách nhắc nhở Đoàn Viên thực hiện: “Dâng Mình” mỗi ngày để có sự liên kết các tâm hồn trong Thánh Tâm Chúa và tuân giữ những điều đã tuyên hứa.
6.      Triển khai, học tập kết quả CÔNG NGHỊ GP 2011 trong các buổi sinh hoạt BCH, Đoàn, Toán.
7.      Tổ Chức Đền Tạ: Xây dựng Hội Thánh tại gia, đề ra những phương thức sinh hoạt, hướng tâm hồn về Lòng Sùng Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, đẩy mạnh các giờ kinh Đền Tạ luân phiên, trong gia đình Đoàn viên.
8.      Tôn Vương Thánh Tâm Chúa: Tôn vinh Chúa là Vua thống trị địa cầu; tổ chức nghi thức rước Chúa vào làm chủ, làm Vua ngự trị trong các gia đình.
9.      Chầu Đền Tạ Thánh Thể: Để gắn kết mật thiết với tình yêu Thánh Thể - Thánh Tâm, tổ chức đều đặn giờ Chầu hàng tháng trong các Xứ Đoàn.
10.  Tái Phúc Âm Hoá: Trong tâm tình lắng nghe ý Chúa; vận động các gia đình thực hiện chương trình “đọc – suy niệm – cầu nguyện với Kinh Thánh; thảo luận, chia sẻ những cảm nghiệm đức tin ... mục đích để cho Lời Chúa thấm nhập vào lòng, tạo ra phương châm để thực hiện Lời Chúa: “Ai yêu mến Thầy thì giữ Lời Thầy……………………………”
11.  Tổ chức Gia đình Kết Nghĩa: Loan báo Tin Mừng theo Lời Chúa dạy: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo tin mừng cho mọi loài thọ tạo” Mc 16,15; bằng phương pháp: “Cầu nguyện - cởi mở thân thiện – chia sẻ buồn vui - yêu thương giúp đỡ những người chung quanh, với mục tiêu “Đem tình thương Chúa đến với anh em”.
12.  Công tác mục vụ di dân: Lưu tâm giúp đỡ anh chị em xa quê nhập cư, di dân; giới thiệu hướng dẫn các thành phần này vào sinh hoạt với cộng đoàn Giáo Xứ.
13.  Quyên góp bác ái, giúp đỡ nơi khó khăn (trại mồ côi, khuyết tật . . . )
14. Vận động ủng hộ quỹ phát triển truyền giáo ………..

PHẦN IV  :  Kế hoạch Huấn luyện

1.   Huấn luyện con người: Chương trình tĩnh tâm hay thường huấn nên dành nhiều thì giờ giúp các tham dự viên kiểm thảo tư tưởng, lời nói, và hành động. Ngoài ra cần phổ cập kiến thức tin học cho thành viên BCH các cấp trong công việc truyền thông để hiệp thông.
2.   Kỹ năng truyền đạt : Tổ chức các giờ học tập chuyên môn căn bản và nâng cao cho các thành viên BTH để để có khả năng truyền đạt cho người khác.

PHẦN V  :  Đóng góp ý kiến

-          Ban Tuyên Huấn cần phải nghiên cứu, học hỏi nội quy, cần hiểu rõ để hướng dẫn các đoàn viên trong cấp xứ đoàn học tập tài liệu căn bản cho đoàn viên.
-          Thống nhất giờ kinh trong gia đình (đã được photo gửi tới các thành viên và xin đóng góp ý kiến vào buổi họp kỳ tới).
-          Ban Tuyên Huấn có thể họp nhiều lần trong tháng (họp bất thường). Ngày họp thường kỳ mỗi tháng được thống nhất là thứ bảy đầu tháng. (thư ký sẽ có thông báo họp).
-          Tổ chức phổ cập tin học (xóa mù vi tính cho BCH các cấp), cần phải nghiên gứu và chọn địa điểm, thời gian, công tác giảng dạy cho thích hợp.
-          Thông báo kỳ họp sắp tới là ngày thứ ba 27/12/2011 tại GX. Bùi Phát vào lúc 8g30.

Với tinh thần yêu thương phục vụ của Tông Đồ Thánh Tâm Chúa, Ban Tuyên Huấn ước mong các thành viên trong BTH quyết tâm thực hiện chương trình hoạt động trên.

PHẦN VI    Đọc kinh bế mạc

Cuối cùng Anh Trưởng Ban Tuyên Huấn đã đọc kinh bế mạc.
Buổi họp kết thúc tốt đẹp trong tình yêu thương của Thánh Tâm Chúa Giêsu.

                                      Ngày01tháng12năm2011                                                                                                                                                Thư ký Ban Tuyên Huấn GP
                                         LucaTRẦNVĂN TÀI