Tháng
5/2012
Nhân Đức Khiêm Nhường là nền tảng
cho mọi nhân đức
Người Đoàn viên GĐPTTT, vì lòng yêu
mến Thánh Tâm CGS, chúng ta phải Phạt tạ Thánh Tâm, đền tạ những tội lỗi, thiếu
sót của con người đã xúc phạm đến tình yêu Thánh Tâm Chúa. Muốn làm việc phạt
tạ, trong mỗi người phải có đức Khiêm nhường. Khiêm tốn, khiêm nhường bộc lộ
bằng hình thức bên ngoài thì chưa đủ, cần phải rèn luyện Đức Khiêm nhường ngay cả
trong đời sống nội tâm.
Khiêm nhường chính là nền tảng của
mọi nhân đức: Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến.
Đức Tin: Nếu thiếu
sự khiêm nhường, ta khó có lòng tin tuyệt đối vào Chúa, người thiếu đức Khiêm
nhường chỉ tin vào bản thân mình mà không tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa.
Qua những thử thách của cuộc đời, chúng ta nghiệm ra rằng: chính nhờ đức Khiêm
nhường, Chúa sẽ soi sáng và chỉ dẫn mỗi việc ta làm. Như Thánh Phêrô đã từng
xác quyết “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai?” (Ga 6,68).
Đức Cậy: Trong
lòng có đức Khiêm nhường sẽ giúp ta biết phó thác mọi sự trong tay Chúa. Người
có đức Khiêm nhường sẽ cảm nhận được sự yếu đuối và giới hạn ở bản thân mình. Người
ấy biết cậy dựa hoàn toàn vào Thiên Chúa.
Đức Mến: Chính Chúa
Giêsu đã phải hạ mình vì tình yêu thương nhân loại. Để sống như Chúa Giêsu đòi
hỏi mỗi người chúng ta phải biết chấp nhận chịu thiệt thòi, nhường nhịn nhau,
biết quên mình và luôn nghĩ đến người khác.
Người thiếu Đức Khiêm nhường sẽ dễ
trở nên bồng bột mù quáng, thiếu đức vâng lời, họ dễ nhiễm thói hư, tật xấu, vô kỷ luật,
khó hòa nhập vào trong cộng đoàn. Đây cũng là mầm mống của mọi bất hòa, chia
rẽ. Trái lại, người có đức Khiêm nhường là chấp nhận chịu thiệt thòi, biết vâng
lời Bề trên và thực hành theo thánh ý Chúa. Họ dễ gây được thiện cảm với nhiều
người, tạo ra sức thuyết phục được nhiều người khác và công việc họ làm mau có
kết quả. Trong gia đình, các anh, chị lớn biết nhường nhịn và lo lắng cho
các em thì sẽ được các em tin yêu và kính phục. Trong đoàn thể, người lãnh đạo
luôn biết lắng nghe là người khôn ngoan, biết lo lắng, nâng đỡ đòan viên và làm
việc với trách nhiệm cao thì sẽ giúp cho đoàn thể họ phụ trách được vững
mạnh, mọi người hiệp thông và yêu thương nhau.
Đức Khiêm nhường luôn mang
lại sự bình an và niềm hạnh phúc. Tính kiêu căng chính là đầu mối
của mọi tội lỗi, là nguyên nhân của những chia rẽ, bất hòa.
Các thành viên trong BCH GĐPTTT các cấp từ Giáo
phận đến các xứ đoàn phải luôn thấm nhuần đức Khiêm nhường để tạo sự gắn bó, yêu thương. Tránh
những chia rẽ, bất hòa. Người lãnh đạo có đức Khiêm nhường sẽ làm cho đoàn thể
được vững mạnh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét