Trang

Chủ Nhật, 1 tháng 4, 2012

PP. Lectio Divina là gì?


Từ Latinh (Lectio Divina) có nghĩa gì?
Từ Latinh “lectio divina” có thể được dịch là “đọc điều thuộc về Thiên Chúa”. Lectio divina là một phương pháp cầu nguyện bằng Thánh Kinh. Khi một người đọc và mời Lời Chúa trở nên một lăng kính biến đổi có thể làm cho chúng ta chú tâm đến những biến cố của đời sống hằng ngày, người ấy có thể sống cách sâu xa hơn và dễ dàng tìm thấy sự hiện diện của Thiên Chúa hơn trong những biến cố thường nhật. Phương pháp lectio divina được thực hành theo bốn bước: lectio (đọc), meditatio (suy niệm), contemplatio (chiêm niệm), và oratio (cầu nguyện).


Là một phương pháp cầu nguyện bắt nguồn từ các đan viện xưa, hiện tại Lectio Divina được phổ biến trong các cộng đoàn tín hữu. Trên nguyên tắc, thì trong phương pháp cầu nguyện này chúng ta diễn tiến theo ba bước, nhưng trong thực tế, khó mà phân biệt ba giai đoạn. Song, phân chia như thế giúp ích hơn cho người muốn làm quen với phương pháp đọc Kinh Thánh này:

1- Lectio: (Đọc)
2- Meditatio: (Suy niệm)
3- Contemplatio: (Ngắm)
4- Oratio: (cầu nguyện).


1.- Ðọc bản văn (Lectio). Trước tiên hỏi: Bản văn này nói gì? Chú ý đọc từng chủ từ và động từ để tìm hiểu những lời được viết dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Tuy đôi khi đoạn Kinh Thánh quá quen thuộc, đọc đi đọc lại để đi sâu vào ý nghĩa thật của nó. Ðọc chầm chậm từng câu. Sau mỗi câu, buông sách xuống, đọc thầm câu đó trong lòng và để câu đó vang trong lòng vài lần. Nguyện xin Thần Khí mở mắt thấy được ý nghĩa sâu xa của bản văn.
Bước đầu 'đọc' (lectio) mở đường cho bước sắp tới 'suy niệm' (meditatio), chứ chưa phải là mục tiêu cuối cùng. Bước đầu tiên này được kéo dài nhiều hay ít tuỳ nhu cầu: ngắn quá thì suy niệm sẽ chẳng có kết quả, lâu quá thì không còn thì giờ suy và chiêm niệm.

2.- Suy niệm (Meditatio) về những giá trị được bản văn nêu lên. Nghiền ngẫm bản văn để tìm ý nghĩa của nó cho cuộc sống cá nhân và cộng đoàn. Bản văn mang đến những giá trị nào về cách suy nghĩ và hành động của người kitô hữu? Bản văn này nói với tôi điều gì? Suy niệm không chỉ với đầu óc mà còn bằng trái tim, bởi vì những giá trị đó có thể đánh động lòng mình. Ý nghĩa sâu xa của những lời này là gì? Qua bản văn này, Ðức Giê-su mời tôi sống như thế nào? Lời Chúa có thể biến đổi cuộc sống.
Không nên kéo dài phần suy niệm nhiều, kẻo cảm thấy mãn nguyện vì đã hiểu ý nghĩa sâu và rộng của bản văn. Thấu hiểu chưa chắc là áp dụng cho cuộc sống. Khi cầu nguyện, Chúa mở mắt và soi sáng, nhưng Ngài muốn dẫn chúng ta xa hơn, là 'thực thi công bình, quý yêu nhân nghĩa và khiêm nhường bước đi với Thiên Chúa' (Mk 6,8).

3.- Chiêm niệm (Contemplatio). Sau khi đọc chậm đoạn Thánh Kinh, nhắm mắt để cho hoạt cảnh diễn lại trong tâm trí mình. Mục đích là nhập vào cảnh, nghĩa là làm sao để thấy mình trong cảnh để nhìn, nghe, cảm và phản ứng. Một khi đã nhập vào cảnh thì hãy ở lại trong cảnh cho đến hết giờ. Chúng ta cũng có thể nhập vào vai, nghĩa là làm sao để thấy mình là một nhân vật thực sự trong câu chuyện hoặc tự tìm cho mình một vai mới. Trong khi nhập vai, thì người cầu nguyện cũng cảm và phản ứng như nhân vật trong đoạn Thánh Kinh. Có thể sẽ tự nhiên nói với Chúa điều gì mình cảm thấy lúc đó. Có thể ở lại bên cạnh Chúa để lắng nghe và hưởng những giây phút hạnh phúc bên cạnh Ngài. 

4- Oratio: (cầu nguyện). Lối cầu nguyện này dẫn đến thờ phượng Chúa trong 'thần khí và sự thật' (Ga 4,24). Ðối tượng của chiêm niệm luôn luôn là Ðức Giê-su, là Ngôi Lời Chúa Cha. Chúng ta không chỉ trao đổi ý kiến với Chúa mà còn nghiền ngẫm Ðức Giê-su đang đối xử với Chúa Cha và với tha nhân. Ðây là lúc thuận tiện để chúng ta mở lòng kết hiệp với Thần Khí Chúa và lãnh nhận các ân huệ Ngài ban cho: một sức dịu dàng lôi cuốn, lòng mến yêu và dấn thân theo Ðức Giê-su, nước mắt hối hận xin lỗi, tâm tình ngợi khen lòng nhân từ Chúa, lời khẩn cầu cho chính mình, cho nhân loại. 

Ðây là cuộc gặp gỡ giữa Ðấng Tạo Hoá và thụ tạo, giữa hai Cha con, giữa lòng tự do của Chúa và lòng tự do của chúng ta. Ðây là lúc 'thụ động' nhận lãnh, để nhờ Thần Khí thờ phượng, ngợi khen và làm vinh hiển Chúa Cha. Ðây là lúc nhường trái tim cho Thần Khí. Ðây là một cuộc 'ăn năn trở về' tận gốc, bởi vì chính Thần Khí soi sáng, tác động và yêu mến Cha trong chúng ta.
(còn tiếp)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét