Trang

Thứ Hai, 7 tháng 2, 2011

TRANG HỌC TẬP GĐPTTT Tháng 2-2011


 
Trang Học tập:
Gia Đình Phạt TạThánh Tâm Việt Nam
Ban Tuyên Huấn - TGP SAIGON
TÀI LIỆU học hỏi tháng 01-2011


Giáo Hội Việt Nam muốn xây dựng sự hiệp thông theo mô hình
GIÁO HỘI THAM GIA TRONG THIÊN KỶ MỚI

***
Dựa trên nền Giáo Hội học về hiệp thông, các giám mục Á châu thúc đẩy việc xây dựng Giáo Hội như là sự hiệp thông của các cộng đoàn cũng như của các thành phần Dân Chúa trong từng cộng đoàn. Từ đó, các ngài đưa ra một hướng đi mới là làm sao mỗi Giáo Hội địa phương phải trở thành một Giáo Hội Tham Gia, trong đó mọi thành phần Dân Chúa thể hiện được ơn gọi và vai trò riêng của mình, đồng thời tham gia vào sứ mạng chung của Giáo Hội.
Trong tông huấn Người Kitô hữu Giáo dân, Đức Gioan Phaolô II nhấn mạnh đến nhu cầu của con người hôm nay muốn được tham gia vào tiến trình của xã hội mà trong đó họ là thành viên. Ngài coi đó là “một trong những nét đặc thù nhất của nhân loại hôm nay, một dấu chỉ thời đại đang phát triển trong nhiều lãnh vực và bằng nhiều cách khác nhau.” Kế đến, ngài bàn về sự tham gia của người giáo dân vào đời sống của giáo xứ, nhấn mạnh đến vai trò hết sức cần thiết của người giáo dân trong mọi sinh hoạt của cộng đoàn Giáo Hội.
Quan điểm của Đức Thánh Cha được minh họa rõ nét nhất qua cách ngài khai triển dụ ngôn những người thợ làm vườn nho (Mt 20,1-16) trong phần đầu của Tông Huấn. Tất cả mọi người đều được gọi đi làm việc trong vườn nho của Chúa. Không có chuyện thất nghiệp ở đây và cũng không được phép để cho ai thất nghiệp! Nếu hiểu vườn nho ở đây là Giáo Hội thì Giáo Hội phải trở thành một “Giáo Hội Tham Gia,” trong đó mọi người đều tham gia và đồng trách nhiệm, mọi người đều bình đẳng và đều cảm thấy mình thực sự là thành viên.
Dựa trên ý tưởng căn bản này, văn phòng Giáo dân và văn phòng Phát triển Con người thuộc Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu đã triển khai một số chỉ dẫn trong việc xây dựng một Giáo Hội Tham Gia tại Á châu. Theo đó, Giáo Hội Tham Gia trước hết là một cộng đoàn, trong đó mọi tín hữu đều dự phần vào sứ mạng của Dân Chúa trong Giáo Hội cũng như trong thế giới, một cộng đoàn đồng trách nhiệm, bình đẳng, và tích cực tham gia vào sứ mạng Chúa Kitô.
Các giám mục Việt Nam thì kêu gọi mọi tín hữu ý thức mình thuộc về Gia đình của Chúa Kitô, tích cực tham gia vào các hội đoàn hay nhóm nhỏ Kitô hữu trong giáo xứ, thay đổi tương quan giữa giáo sĩ và giáo dân, tạo điều kiện cho mọi người tham gia nhiều hơn vào việc bàn thảo và quyết định kế hoạch mục vụ chung. (NT 2010, ĐỀ TÀI 7, Đề Cương 21).

Tổ chức Công giáo tiến hành

Công giáo Tiến hành (CGTH) được hiểu là việc tông đồ của giáo dân do hàng giáo phẩm hướng dẫn.
Phong trào Tông đồ Giáo dân khởi sự vào năm 1927 với việc thành lập các phong trào như Thanh Lao Công (JOC), Nữ Thanh Lao Công (JOCF) ở Bỉ (1928) và Pháp (1929), Thanh Sinh Công (JEC, 1930), Thuỷ Thủ Trẻ Công giáo (JMC, 1930) và tiếp theo là các phong trào dành cho các gia đình, các giới, các nghề nghiệp…
Ở Việt Nam, ngày 7-12-1956, bản Hiến chương Công giáo Tiến hành Việt Nam được Toà Thánh phê chuẩn và cho thi hành. HĐGM cũng đã lập ra một Uỷ ban lo về Công giáo Tiến hành toàn quốc mà Chủ tịch là TGM. Phaolô Nguyễn Văn Bình, sau đó bầu linh mục giám đốc Công giáo Tiến hành và các giáo dân làm thành Ban Chấp hành Trung ương Công giáo Tiến hành toàn quốc. Ở cấp giáo phận, cũng có một Ban Chấp hành gồm các linh mục và giáo dân để thúc đẩy Công giáo Tiến hành trong các xứ đạo.

“Sắc Lệnh về Tông Ðồ Giáo Dân”

Công đồng Vatican II đã nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của người giáo dân trong sứ mạng rao giảng Tin Mừng và giáo dục của Giáo Hội. Người giáo dân phục vụ trong mọi hoạt động của Giáo Hội giữa lòng trần thế, nhất là trong các lĩnh vực của đời sống thường ngày. Họ cần được hỗ trợ và hướng dẫn bởi các vị lãnh đạo của Giáo hội toàn cầu cũng như của Giáo hội địa phương.

Ngày 18 tháng 11 năm 1965 Công Ðồng Vaticanô II. Khóa VIII đã hoàn tất “Sắc Lệnh về Tông Ðồ Giáo Dân” đã trở nên một trong những thành quả cũng như một trong những khát vọng chính yếu của Thánh Công Ðồng Vaticanô II.

1. Thánh Công Ðồng muốn phát động mạnh mẽ hơn việc tông đồ của dân Thiên Chúa 1, nên chú tâm hướng về các Kitô hữu giáo dân, những người có phần riêng biệt và cần thiết trong sứ mệnh của Giáo Hội, như đã được nhắc đến trong những văn kiện khác 2. Bởi vì, vốn phát sinh từ ơn gọi làm kitô hữu, việc tông đồ giáo dân không bao giờ có thể khiếm khuyết trong Giáo Hội. Trong những buổi đầu Giáo Hội, việc tông đồ này thật là hăng say và kết quả biết bao! Chính Thánh Kinh chứng minh cách phong phú điều đó (x. CvTđ 11,19-21; 18,26; Rm 16,1-16; Ph 4,3).
Thời đại chúng ta đòi hỏi người giáo dân phải nhiệt thành không kém, nhất là những hoàn cảnh hiện tại càng đòi hỏi việc tông đồ của họ phải hoàn toàn mạnh mẽ và sâu rộng hơn. Quả vậy, càng ngày dân số càng gia tăng, khoa học và kỹ thuật càng tiến triển, những mối tương quan mật thiết hơn giữa con người không những mở rộng môi trường hoạt động tông đồ giáo dân đến vô hạn, môi trường mà phần lớn chỉ dành riêng cho họ, mà còn tạo nên nhiều vấn đề mới đòi họ phải đặc biệt lưu tâm học hỏi. Việc tông đồ này lại càng trở nên khẩn trương hơn, vì sự biệt lập trên nhiều phương diện của cuộc sống con người như thường thấy, càng gia tăng, đôi khi gây nên một sự tách biệt với trật tự luân lý và tôn giáo, cũng như tạo ra một sự nguy hiểm trầm trọng cho đời sống Kitô giáo. Hơn nữa, trong những miền thiếu linh mục hay khi các ngài không được tự do thi hành chức vụ, thì Giáo Hội khó có thể hiện diện và hoạt động hữu hiệu nếu không nhờ giáo dân cộng tác.
Dấu hiệu cho thấy nhu cầu muôn mặt và khẩn trương ấy chính là hoạt động tỏ tường của Chúa Thánh Thần đang làm cho giáo dân hôm nay mỗi ngày một ý thức hơn phần trách nhiệm riêng của mình và thúc bách giáo dân mọi nơi phục vụ Chúa Kitô và Giáo Hội 3.
Trong Sắc Lệnh này, Công Ðồng nhằm làm sáng tỏ bản chất, đặc tính và những cách thế của việc tông đồ giáo dân, nêu lên những nguyên tắc căn bản và ban bố những “giáo huấn mục vụ” để thi hành việc tông đồ ấy cho hiệu quả hơn. Mọi điều trong Sắc Lệnh này phải được coi như những tiêu chuẩn cho việc xét lại những khoản giáo luật có liên quan đến việc tông đồ giáo dân.

Năm Thánh 2010 của Giáo hội Công giáo Việt Nam đã khép lại, Sứ Điệp Đại Hội Dân Chúa 2010 mở ra cho cộng đồng dân Chúa một Sứ Vụ mới là xây dựng một gia đình giáo hội tham gia. Để định ra một hướng đi trong vai trò của mình, Kính mời GĐPTTT các cấp cùng tìm hiểu, khám phá những hướng dẫn của Giáo Hội qua văn kiện “Sắc Lệnh về Tông Ðồ Giáo Dân”, với khuôn khổ của Nội San Lửa Mến BTH chúng tôi xin giới thiệu nhiều kỳ đến quý Đoàn Viên GĐPTTT, nhằm chuyển tải giáo huấn của Giáo hội về hoạt động trong Đoàn Thể Công Giáo Tiến Hành cũng như sứ mạng của người Tông Đồ Giáo Dân. 

Chương I : Ơn Gọi Làm Tông Ðồ Giáo Dân

2. Giáo dân tham dự vào sứ mạng của Giáo Hội.
Giáo Hội được khai sinh là để làm cho nước Chúa Kitô rộng mở trên khắp hoàn cầu, hầu làm vinh danh Thiên Chúa Cha: tức là làm cho mọi người tham dự vào việc chuộc tội và cứu rỗi 1, để rồi nhờ họ, toàn thể vũ trụ thực sự được qui hướng về Chúa Kitô. Mọi hoạt động của Nhiệm Thể hướng về mục đích này gọi là việc tông đồ, công việc mà Giáo Hội thực hiện nhờ tất cả các chi thể, tùy theo những cách thức khác nhau. Thật ra ơn gọi làm Kitô hữu tự bản chất cũng là ơn gọi làm tông đồ. Cũng như toàn bộ một cơ thể sống động, 2* không chi thể nào hoàn toàn thụ động, nhưng cũng tham dự vào đời sống và công việc của toàn thân. Cũng thế, trong Nhiệm Thể Chúa Kitô tức Giáo Hội, toàn thân tùy theo công dụng khả năng từng phần tử khiến thân thể này gắn bó và liên kết chặt chẽ với nhau (x. Eph 4,16), đến nỗi chi thể nào không hoạt động đúng tầm mức của mình trong việc tăng triển toàn thân đều bị coi là vô dụng đối với Giáo Hội cũng như với chính mình.
Trong Giáo Hội có nhiều tác vụ khác nhau nhưng đều cùng chung một sứ mệnh. Chúa Kitô đã trao phó cho các Tông Ðồ và những người kế vị các ngài nhiệm vụ nhân danh và lấy quyền Người mà giảng dạy, thánh hóa và cai quản. Còn phần giáo dân, vì họ tham dự thực sự vào nhiệm vụ tư tế, tiên tri và vương đế của Chúa Kitô, nên họ chu toàn phần việc của mình trong sứ mệnh của toàn dân. Thiên Chúa trong Giáo Hội và ở giữa trần gian 2. Giáo dân thực sự thi hành việc tông đồ bằng công việc của mình để rao giảng Phúc Âm và thánh hóa nhân loại, đem tinh thần Phúc Âm thấm nhuần và hoàn hảo hóa những việc thuộc phạm vi trần thế, sao cho công việc của họ thuộc lãnh vực này làm chứng tỏ tường về Chúa Kitô và góp phần vào việc cứu độ nhân loại. Vì bản chất riêng biệt của người giáo dân là sống giữa đời và làm việc đời nên chính họ được Thiên Chúa mời gọi để một khi tràn đầy tinh thần Kitô giáo, họ làm việc tông đồ giữa đời như men trong bột.
(Còn tiếp)
 (Tham khảo:
   Daminhhung


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét