Trang

Thứ Tư, 9 tháng 2, 2011

GĐPTTT học tập tháng 3/2011


 TRANG HỌC TẬP

GIÁO HUẤN CỦA GIÁO HỘI

VỀ HOẠT ĐỘNG TÔNG ĐỒ GIÁO DÂN
                      --------0--------

Giáo Hội mời gọi cộng đồng dân Chúa xây dựng tinh thần hiệp thông và thực thi Sứ Vụ của người Kitô Hữu gồm tu sĩ và giáo dân. Trong phạm vi trang GĐPTTT học tập trên Lửa Mến tháng 3 chúng ta cùng khám phá giáo huấn của Giáo hội về Sứ Vụ trong vai trò người “KiTô Hữu giáo dân”. Vậy thành phần Giáo dân là ai ?

6.1 VAI TRÒ CỦA KITÔ HỮU GIÁO DÂN  TRONG GIÁO HỘI

“Giáo dân là toàn bộ các Kitô hữu không thuộc thành phần có chức thánh hoặc tu sĩ, được tháp nhập với Chúa Kitô nhờ bí tích Thánh Tẩy và Thêm Sức, được hội nhập vào dân Thiên Chúa, được tham dự chức năng tiên tri, tư tế và mục tử của Chúa Kitô theo cách thức riêng của mình là “tìm kiếm Nước Thiên Chúa ngay trong chính việc quản trị và sắp đặt các sự việc trần thế theo ý Thiên Chúa.
 Họ sống giữa trần gian, nghĩa là giữa tất cả cũng như từng công việc và bổn phận trần thế, giữa những cảnh sống thường ngày trong gia đình và ngoài xã hội... để như men từ bên trong, họ thánh hóa thế giới... hầu ca tụng Ðấng Tạo Hóa và Ðấng Cứu Ðộ” (GH 31).
Cụ thể, giáo dân tham dự vào chức vụ tiên tri của Chúa Kitô bằng việc Phúc Âm hóa, “nghĩa là loan báo Chúa Kitô bằng đời sống chứng tá và bằng lời nói”. Ðặc biệt trong đời sống hôn nhân và gia đình, trong sinh hoạt nghề nghiệp và những dấn thân xã hội khác (x. GH 35). Những giáo dân có khả năng và được đào tạo còn có thể góp phần trong việc dạy giáo lý (GL 774), dạy các khoa học thánh (GL 229), và trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội (GL 823).
Giáo dân tham dự vào chức vụ tư tế của Chúa Kitô bằng việc làm cho “mọi hoạt động, kinh nguyện, công việc tông đồ, đời sống hôn nhân và gia đình, việc làm ăn thường ngày, việc giải lao cho tâm trí cũng như thể xác và mọi thử thách của cuộc sống... trở nên hiến lễ thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa nhờ Ðức Giêsu Kitô” (GH 34), và hiến lễ đó được liên kết với việc dâng lên Chúa Cha. Như thế “giáo dân thánh hiến thế giới này cho Thiên Chúa, thờ phượng Thiên Chúa khắp nơi bằng đời sống thánh thiện của mình” (GH 34).
Giáo dân tham dự vào chức vụ mục tử của Chúa Kitô, khi họ “chiến thắng ách thống trị của tội lỗi nơi mình, bằng một đời sống từ bỏ mình và thánh thiện” (GH 36), khi “làm cho những giá trị luân lý thấm nhập vào văn hóa và các công trình của loài người” (GH 36), khi “thi hành những tác vụ khác nhau tùy theo ơn huệ và đặc sủng mà Chúa trao ban” (LBTM 11).

Giáo Hội tại Việt Nam cách nào đó vẫn chưa quan tâm đủ đến vai trò người giáo dân trong Giáo Hội. Nhiều giáo dân vẫn tự cho mình chỉ là một “cánh tay”, một dụng cụ hỗ trợ hàng giáo sĩ hơn là những người chia sẻ trách nhiệm trong cùng một sứ mệnh Chúa trao.
 Quả thật, đây vẫn còn là một thách đố cho Giáo Hội tại Việt Nam khi phải trở nên “cộng đoàn của các cộng đoàn”, hay “nguyên lý hiệp thông” của các cộng đoàn.  (88 – TÀI LIỆU HỌC HỎI TRONG NĂM THÁNH )


 SẮC LỆNH TÔNG ĐỒ GIÁO DÂN
Chương I : Ơn Gọi Làm Tông Ðồ Giáo Dân
(Tiếp theo)

3. Nền tảng của việc tông đồ giáo dân.

Giáo dân có bổn phận và quyền làm tông đồ do chính việc kết hợp với Chúa Kitô là Ðầu. Họ được chính Chúa chỉ định làm việc tông đồ, vì phép Rửa Tội sát nhập họ vào Nhiệm Thể Chúa Kitô, phép Thêm Sức làm cho họ nên mạnh mẽ nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần. Họ được thánh hiến vào chức vụ tư tế vương giả và dân tộc thánh (x. 1P 2,2-10), hầu trong mọi việc họ dâng những lễ vật thiêng liêng và làm chứng cho Chúa Kitô ở mọi nơi trên hoàn cầu. Ðàng khác, đức ái như là linh hồn của tất cả việc tông đồ, được chuyển thông và nuôi dưỡng nhờ các bí tích nhất là bí tích Thánh Thể 3.
Việc tông đồ được thực thi nhờ đức tin, đức cậy, đức ái 3*, là những nhân đức mà Chúa Thánh Thần đổ đầy tâm hồn mọi phần tử của Giáo Hội. Lại nữa, nhờ giới răn tình yêu, giới răn cao thượng nhất của Chúa, mọi tín hữu được thúc đẩy để tìm vinh danh Thiên Chúa bằng cách làm cho nước Ngài trị đến và mưu tìm sự sống đời đời cho mọi người để họ nhận biết một Thiên Chúa chân thật và Ðấng Ngài đã sai đến là Chúa Giêsu Kitô (x. Gio 17,3).
Vì vậy hết mọi tín hữu đều có bổn phận rất cao cả là hoạt động để mọi người trên khắp hoàn cầu nhận biết và đón nhận Phúc Âm cứu độ của Chúa.
Ðể thể hiện việc tông đồ này, Chúa Thánh Thần thánh hóa dân Chúa qua tác vụ và các bí tích. Ngài cũng ban cho các tín hữu những ơn đặc biệt (x. 1Cor 12,7), "phân phát những ơn đó cho mọi người tùy ý Ngài" (1Cor 12,11) để "mỗi người tùy theo ơn đã nhận mà giúp đỡ nhau" và chính họ trở nên như những người quản lý trung tín giữ mọi thứ ơn của Thiên Chúa" (1P 4,10) hầu xây dựng toàn thân trong đức ái (x. Eph 4,16). Do sự đón nhận những đoàn sủng này dẫu là những đoàn sủng thông thường, mỗi tín hữu có quyền lợi và bổn phận sử dụng những ơn đó trong Giáo Hội cũng như giữa trần gian để mưu ích cho mọi người và xây dựng Giáo Hội trong tự do của Chúa Thánh Thần, Ðấng "muốn thổi đâu thì thổi" (Gio 3,8) và đồng thời sử dụng trong sự hiệp thông với anh em trong Chúa Kitô, nhất là với các bản tính đích thực và việc sử dụng thích hợp những đoàn sủng đó, không phải để dập tắt Thánh Thần, nhưng để thử nghiệm mọi việc và điều nào tốt thì giữ lấy (x. 1Th 5,12; 19,21) 4.

Chienhien
 (BTH - domchienhien@gmai.com)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét