NGÀY MỒNG CHÍN
Việc 2 :Đền tạ những tội phạm đến Trái Tim và Thánh Thể
Một lần Chúa Giêsu hiện đến phán dạy thánh nữ Magarita
rằng: "Cha ước ao và muốn cho người ta tôn sùng Trái Tim Cha, đền
tạ những tội xúc phạm đến Trái Tim Cha".
Thánh nữ kể lại: Một hôm, khi tôi đang chầu Mình Thánh,
Chúa hiện ra uy nghi sáng láng, mở Trái Tim Người ra cho tôi xem và phán: "Hỡi con, Cha muốn con rước lễ các ngày thứ Sáu đầu tháng,
để đền tạ những tội loài người xúc phạm đến Thánh Thể Cha".
Năm 1675, Chúa lại hiện đến cùng tôi và phán: "Cha muốn hàng năm, ngày thứ Sáu tuần lễ Thánh Thể, có một
lễ riêng kính thờ Trái Tim Cha. Hôm ấy, những kẻ kính mến Cha sẽ rước lễ đền tạ
những tội loài người xúc phạm đến Cha ngự trong phép Thánh Thể".
Lần khác, sau khi rước lễ, Chúa lại hiện ra cùng bà, dạy phải ăn
chay, hãm mình lánh tội và làm các việc lành khác đền tội thay cho những người
đang mắc tội trọng đã cả dám lên rước lễ.
Thánh Thể : Trong Lòng
Sùng Kính Thánh Tâm
Trong lời tựa của tác
phẩm Lòng Sùng Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, Cha Jean Croiset, SJ, linh hướng của
Thánh Nữ Magarita Maria Alacoque, đã coi việc tôn thờ Bí Tích Thánh Thể như
trung tâm của việc sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu khi ngài nhận định như sau:
“Bởi
lẽ bản chất của lòng sùng kính này hệ tại tình yêu hoàn hảo dành cho Chúa
Giêsu, cách riêng trong Bí Tích Thánh Thể, tình yêu hoàn hảo này làm thành chủ
đề của cuốn sách này. Chúng tôi sẽ dành phần lớn trong sách này bàn về việc
viếng Bí Tích Thánh Thể, về Hy Tế Cao Cả của Thánh Lễ và về việc Hiệp Lễ. Vì
trong tất cả các việc đạo đức, chính những việc này giúp chúng ta đến gần Chúa
Giêsu Kitô hơn cả và thích hợp hơn cả để tôn vinh Thánh Tâm Người, cũng đốt lên
trong tâm hồn chúng ta tình yêu nồng nàn dành cho Người.”
Cũng
vậy, trong Thông Ðiệp Về Lòng Sùng Kính Thánh Tâm của Ðức Thánh Cha Piô XII,
Giáo Hội một lần nữa chỉ ra tương quan mật thiết giữa lòng sùng kính Thánh Tâm
và Bí Tích Thánh Thể như sau: “lòng sùng kính nồng nhiệt đối với Thánh Tâm Chúa
không chút nghi ngờ sẽ khích lệ và cổ võ lòng sùng kính Thánh Giá và tình yêu
đối với Bí Tích Cực Trọng Thánh Thể.”
Ðức
Thánh Cha Phaolô VI nói rằng Thánh Thể là “món quà tuyệt vời của Thánh Tâm Chúa
Giêsu.” Ngài thêm: “Nguồn gốc và căn nguyên của Phụng Vụ Thánh được tìm thấy
nơi đó (Thánh Tâm), vì Trái Tim Chúa Giêsu là đền thánh của Thiên Chúa từ đó
của lễ đền tạ được dâng lên tới Chúa Cha Hằng Hữu.”
Sự
liên kết thiết yếu giữa lòng sùng kính Thánh Tâm và lòng sùng kính Thánh Thể
được Mẹ Louis Margarita Claret de la Touche trình bày như sau:
“Lòng
sùng kính Thánh Tâm và lòng sùng kính Thánh Thể là hai lòng sùng kính chị em
với nhau. Chúng liên kết hết sức mật thiết với nhau, bổ túc cho nhau cách hoàn
hảo, cần đến nhau như thể thật thiết yếu. Lòng sùng kính Thánh Tâm và lòng sùng
kính Thánh Thể chẳng những không nghi kỵ nhau, mà còn giúp làm gia tăng lẫn
nhau, vì chúng bổ túc và làm hoàn hảo lẫn nhau.
”Thánh
Tâm, Thánh Thể, Tình Yêu là một và là cùng một thứ! Trong Nhà Tạm chúng ta gặp
Bánh Thánh; trong Trái Tim, Tình Yêu, Tình Yêu Vô Tận, Ðức Ái Thần Linh, Thiên
Chúa và Căn Nguyên Sự Sống, sống động và linh hoạt. Nhưng còn nữa phép lạ khôn
tả của Thánh Thể chỉ có thể cắt nghĩa bằng tình yêu; bởi tình yêu Thiên Chúa,
vâng, chỉ bằng tình yêu của Chúa Giêsu, Thiên Chúa và Con Người. Giờ đây tình
yêu của Chúa Giêsu là tình yêu của Trái Tim Người: đó là chính Trái Tim Người,
để tóm gọn trong một chữ. Vậy nên, Bí Tích Thánh Thể được giải thích chỉ bằng
Thánh Tâm.”
Vì
vậy, tất cả những ai thực sự sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu đều nhận thấy phải
đặt Thánh Lễ và Bí Tích Thánh Thể là Trung Tâm của đời sống hàng ngày.
Trong
Hiến Chế về Phụng Vụ của Công Ðồng Vaticanô II, Giáo Hội đã xác định điều này
như sau: “Phụng Vụ là tột đỉnh mà hoạt động của Giáo Hội qui hướng về, đồng
thời là nguồn mạch tuôn trào mọi năng lực của Giáo Hội” (số 10).
Ðây
cũng là điều đã Ðức Thánh Cha Gioan-Phaolô II khẳng định khi ngài nói với các
linh mục: “Việc phục vụ tốt nhất mà bạn là một linh mục có thể cống hiến cho
Hội Thánh là đặt Hy Lễ Thánh Thể làm trung tâm đời sống của bạn và trung tâm
đời sống của những người bạn phục vụ. Người còn nói: “Trong Bánh Thánh nhỏ bé
đó chứa đựng câu trả lời cho tất cả mọi vấn nạn trên thế giới.”
Cha
Paul O’Sullivan, OP viết: “Thánh Lễ là sự lạ lùng cao trọng nhất trên trần
gian. Không có gì dưới đất sánh bằng Thánh Lễ, và chẳng có gì trên trời cao
trọng hơn Thánh Lễ” vì “những ơn sủng, phước lành và ân huệ được ban xuống cho
những người tham dự Hy Lễ Thánh Thiện này vượt quá mọi hiểu biết của con người.
Và Cha đưa ra nhận xét độc đáo sau: “Sự lạ lùng kế đến là sự lãnh đạm mê muội
của người Công Giáo đối với Thánh Lễ.”
Trong
cuốn Hãy Ðến Với Ta Trong Bí Tích Thánh Thể của Ðức Cha Josefino S. Ramirez và
Linh Mục Vincente Martin Lucia, lòng sùng kính Thánh Tâm được cắt nghĩa như
sau: “Tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu không phải là tôn sùng một pho tượng hay
một bức ảnh, nhưng là tôn sùng Bí Tích Cực Thánh. Bí Tích Cực Thánh chính là
Thánh Tâm Chúa Giêsu đang sống, đang ngự giữa chúng ta và kêu mời mỗi chúng ta
đến với Ngài. Sứ điệp của Thánh Tâm là: Bí Tích Thánh Thể không phải là một đồ
vật, nhưng là một Ngôi Vị, là chính bản thân Chúa Cứu Thế. Trái Tim Thần Linh
của Ngài luôn bừng cháy một tình yêu riêng và sâu thẳm dành cho mỗi người chúng
ta trong bí tích này.
Thờ
lạy Thánh Thể là:
1.
“Ý thức Chúa Giêsu hiện diện thực trong Bí Tích Thánh Thể
2.
“Quí trọng Sự Hiện Diện của Ngài giữa chúng ta trong Bí Tích Thánh Thể.
3.
“Lời xác nhận tình yêu riêng của Ngài dành cho chúng ta trong Bí Tích Thánh
Thể.
4.
“Nhìn nhận ta hoàn toàn lệ thuộc vào Ngài, Ðấng là cây nho và chúng ta là ngành
nho, với một thái độ tập trung toàn bộ đời sống của chúng ta về Ngài và thánh ý
Ngài.”
Các
thánh cùng đưa ra nhiều lẽ khích lệ ta phải năng rước lễ và viếng Chúa Giêsu
Thánh Thể.
Thánh
Gioan Kim Khẩu nói: “Thánh Thể là lò lửa đỏ rực, nên từ bàn thánh trở về, lẽ ra
ta phải được cháy lửa kính mến Chúa, để ma quỷ không dám quấy nhiễu ta nữa.”
Thánh
Phanxicô Salêsiô nói: “Nếu có ai hỏi con vì sao con rước lễ nhiều như vậy, con
hãy trả lời thế này: Có hai hạng người phải năng rước lễ, một là hạng người
trọn lành, họ rước lễ để giữ mình trong bậc trọn lành. Hai là hạng người không
trọn lành, họ rước lễ để đưa mình tới bậc trọn lành.”
Thánh
Bonaventura nói: “Mỗi người phải trông cậy lòng Chúa nhân từ mà năng rước lễ.
Vì ai cảm thấy mình bệnh nặng thì càng phải tìm đến bác sĩ mới mong được khỏi
bệnh.”
Thánh
Catarina Siêna có lần thấy Mình Thánh Chúa trong tay linh mục rực sáng lên như lò
lửa. Ngài tự hỏi tại sao lửa nóng ấy không đốt cháy người ta khi họ rước vào,
nên ngài khuyên: “Nếu con biết trong người nguội lạnh thì hãy lo đến gần lò
sưởi.”
Người
ta nhận thấy nơi lòng sùng kính Thánh Tâm một linh đạo thiết thực, giúp họ sống
tinh thần Phúc Âm giữa các Thánh Lễ và giúp họ chuẩn bị tham dự Thánh Lễ sắp
tới một cách sốt sắng hơn.
Ngày
Thánh Thể
Ngày
Thánh Thể, phương thức sống đức tin của Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể Việt
Nam, cũng là một cách cụ thể hóa lòng sùng kính Thánh Tâm.
Ngày
Thánh Thể được hiểu là một ngày sống của những người yêu mến Thánh Tâm Thánh
Thể Chúa Giêsu. Trong đó, Chúa Giêsu Thánh Thể được đặt làm Trung Tâm, làm Mặt
Trời, để soi sáng và sưởi ấm đời ta. Ngày bắt đầu bằng việc dâng ngày cho Thánh
Tâm Chúa Giêsu, rồi kết thúc bằng việc dâng đêm. Cao điểm hay giờ ngọ của Ngày
Thánh Thể là việc tham dự Thánh Lễ và Rước Lễ. Những giờ khắc của Ngày Thánh Thể
được đánh dấu bằng các lời nguyện tắt, những việc xét mình và thống hối, những
việc hy sinh hay bác ái, những lần viếng Thánh Thể hay rước lễ thiêng liêng,
những lần đọc Thánh Kinh hay sách thiêng liêng, những kinh nguyện, lần chuỗi
Mân Côi..v.v..
Sống
Ngày Thánh Thể chính là sống hiệp nhất với Thánh Tâm Chúa Giêsu, sống niềm tin,
và cũng là sống thánh vậy!
Giêsu
ơi, đưa con vào Trái Tim Ngài!
Ấp
ủ con trong tình yêu nồng cháy.
Hãy
lấy Máu Ngài mà giải khát con.
Bằng
chính Thịt Ngài cho con no thỏa.
Bởi
con đói lả vì khát khao Ngài.
Chỉ
một mình Ngài làm thỏa lòng con.
Hai mẩu truyện đáng nhớ
Sự
cao quý trỗi vượt của việc dự lễ và hiệp lễ một cách xứng đáng trong đời sống
tâm linh đã được minh họa cách tuyệt vời trong mẩu truyện sau từ sách Tháng
Trái Tim.
Xưa
có một người đạo đức lắm, ngày đêm luôn than thở những lời sốt sắng tự đáy
lòng: “Lạy Chúa, con ước ao rằng: trên rừng có bao nhiêu lá, bầu trời bao nhiêu
sao, sa mạc bao nhiêu hạt cát, trùng dương bao nhiêu giọt nước thì con cũng
được bấy nhiêu miệng lưỡi để ca ngợi Chúa, và cũng được bấy nhiêu con tim để
yêu mến Chúa. Hỡi loài côn trùng hãy luôn luôn ca ngợi Chúa thay cho loài người
tệ bạc với Chúa.” Một lần, sau khi than thở như vậy, người ấy liền nghe Chúa
Giêsu đáp: “Con ơi! Nếu một linh hồn sạch tội dâng một lễ cho sốt sắng thì làm
một việc kính mến, ca ngợi và làm sáng danh Cha hơn những việc con ước ao đêm
ngày bội phần.”
Chúa
Giêsu không nói quá! Dù chúng ta có hàng triệu miệng lưỡi để ca ngợi Chúa, thì
những miệng lưỡi ấy vẫn là những miệng lưỡi của phàm nhân tội lỗi. Dù chúng ta
có hàng triệu con tim để yêu mến Chúa, thì những con tim ấy vẫn là những con
tim của nhân loại yếu hèn. Nhưng khi dâng lễ, chúng ta được kết hợp với Chúa Giêsu
để ca ngợi Thiên Chúa bằng miệng lưỡi Chúa Giêsu và yêu mến Thiên Chúa bằng
chính Thánh Tâm Người. Việc phụng sự Thiên Chúa trong Thánh Lễ vượt trội là
thế!
Nhưng
hiệu quả của việc tham dự Thánh Lễ nơi mỗi tâm hồn tùy thuộc ở lòng tin của mỗi
người.
Thánh
Faustina của Phép Thánh Thể thuật rằng một hôm khi rước lễ, ngài thấy Bánh
Thánh mà linh mục sẽ trao cho ngài rước vào lòng trở nên sống động. Sau khi
rước lễ ngài hỏi Chúa: “Tại sao chỉ có một Bánh Thánh sống động, trong khi Chúa
cùng ngự thật trong mọi hình bánh?” Chúa Giêsu trả lời: “Con nói đúng, Cha ngự
thật trong mọi hình bánh, nhưng không phải mỗi linh hồn rước Cha đều có một đức
tin như đức tin của con, con à; vậy nên Cha không thể hoạt động nơi linh hồn
của họ như Cha làm nơi linh hồn con.”
Lm Phạm Quốc Hưng, CSsR.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét