NGÀY MỒNG SÁU
Trái Tim Chúa Giêsu có Thánh giá ở trên
Khi Chúa Giêsu tỏ Trái Tim Chúa cho thánh nữ Magarita,
Người cho bà xem thấy Trái Tim có thánh giá ở trên.
Thánh
giá ấy dạy cho ta biết, cả cuộc đời
đau khổ của Chúa, từ lúc sinh ra hèn hạ
đến lúc chết nhục nhã, đã dồn lại trong
Trái Tim Người.
Thánh
giá là món quà bổ ích Chúa dành riêng cho những ai Người
yêu quí, thánh nữ Magarita nói rằng:
"Nếu
tôi chẳng được vác thánh giá và rước lễ
mỗi ngày, thì tôi không thể sống được.
Nếu ta chẳng vui lòng chịu đau khổ, còn
để lòng quyến luyến những vui sướng
thế gian, thì ta là môn đệ Chúa sao được?"
Ai
hiểu được lợi ích của đau khổ, thì
kẻ ấy đã có lòng yêu mến Chúa, và đã có hi
vọng lãnh phần thưởng đời đời Chúa
dành cho trên Nước Chúa. Ai yêu Chúa thật thì lấy
nặng nhọc làm êm ái, và lấy cay đắng làm
ngọt ngào.
Những tâm hồn nhận biết và yêu mến Chúa
Những
người nhận biết Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa và bước vào mối tình thâm
giao với Người là những người có “tâm tư như đã có nơi Ðức Kitô Giêsu”
(Phil 2:5). Họ là những người sau:
1. Từ tâm:
Là những người biết “chạnh lòng thương” trước những đau khổ của tha
nhân và ra tay cứu giúp xoa dịu những nỗi đau của họ. Người Samaritanô
nhân lành trong dụ ngôn của Chúa Giêsu là tiêu biểu cho loại người này
(Lc 10:29-37). Với họ, Chúa Giêsu nói: “Quả thật, Ta bảo các ngươi:
những gì các ngươi đã làm cho một người trong các anh em hèn mọn nhất
này của Ta, là các ngươi đã làm cho chính mình Ta” (Mt 25:40). Và “Phúc
cho những kẻ biết xót thương, vì họ sẽ được thương xót” (Mt 5:7).
2. Thành tâm:
Người trộm chịu đóng đanh bên hữu Chúa Giêsu đã thành thực nhìn nhận
đau khổ anh đang phải chịu là xứng hợp với tội lỗi của anh và bày tỏ
lòng tin vào Chúa Giêsu (Lc 23:40-42).
3. Quảng tâm:
Ðây là những người có tâm hồn quảng đại như các môn đệ tiên khởi đã
“bỏ cả chài lưới, đã bỏ cả cha lại mà đi theo Ngài” (Mt 4:20,22). Họ cũng
là những người học gương Chúa Giêsu để rộng rãi chia sẻ các phúc lộc
cho tha nhân và sẵn sàng tha thứ cho những kẻ xúc phạm đến mình.
4. Nhiệt tâm:
Maria em Bà Martha có thể được coi như tiêu biểu cho loại người này:
“vừa nghe nói, Maria vội vàng chỗi dậy mà đi gặp Ngài” (Jn 11:29). Sốt
sắng nhiệt thành là đặc tính của tâm hồn những người đang yêu. Chúa
Giêsu cũng bày tỏ tình yêu của Người đối với Chúa Cha qua sự nhiệt thành
của Người trong việc xua đuổi những người buôn bán ra khỏi Ðền Thờ:
“Lòng nhiệt thành đối với nhà Chúa sẽ nghiến cả mình tôi” (Jn 2:17; Tv
69:10). Họ còn là những người luôn khao khát sự trọn lành nên Chúa sẽ
làm thỏa mãn nỗi khao khát của lòng họ: “Phúc cho những kẻ đói khát
công chính, vì họ sẽ được no đầy” (Mt 5:6).
5. Thiện tâm:
Là những tâm hồn thiện chí, không có thành kiến khi giao tiếp với
người khác, biết tìm kiếm, nhìn nhận và ngợi khen những gì là chân,
thiện, mỹ nơi tha nhân. Tiêu biểu cho loại người này là ba nhà đạo sĩ
đến gặp Chúa Hài Ðồng ở Bêlem và viên bách quản chứng kiến hiện tượng
trời đất trở thành tối đen khi Chúa Giêsu sinh thì nên đã nhận biết
Người là Con Thiên Chúa (Mt 27:54).
6. Đơn tâm:
Là những người có tâm hồn đơn sơ và trong sạch. Họ không khao khát,
mong mỏi hay kiếm tìm điều gì khác hơn là chính Chúa, nên Chúa sẽ tỏ
mình cho họ: “Phúc cho những tinh sạch trong lòng, vì họ sẽ thấy Thiên
Chúa” (Mt 5:8).
7. Kiên tâm:
Là những con người trung kiên, trung thành, nhẫn nại trong việc phụng
sự Chúa và chờ giờ Chúa đến. Ông già Simêon và Bà Anna là gương mẫu cho
loại người này. Chúa Giêsu hứa: “Những kẻ nào kiên nhẫn đến cùng, kẻ
ấy sẽ được cứu” (Mt 24:13).
8. Úy tâm:
Là những người có “lòng kính sợ Chúa.” Họ thà chết chẳng thà phạm tội
mất lòng Chúa vì họ luôn ý thức về sự hiện diện đầy uy linh và tình
thương của Chúa trong cuộc đời họ. Nhờ vậy, họ đã được trở thành đối
tượng đón nhận lòng thương xót Chúa: “Và lòng nhân nghĩa của Người suốt
đời nọ đến đời kia trên những kẻ kính sợ Người” (Lc 1:50).
9. Ấu tâm:
Là những ngườì biết trở nên thơ bé để sống trong sự tin yêu, phó thác
vào sự quan phòng đầy quyền năng và khôn ngoan của Chúa. Ðây là điều
Chúa Giêsu muốn thấy nơi những môn đệ Người: “Quả thật, Ta bảo các
ngươi, nếu các ngươi không hoán cải mà nên như trẻ nhỏ, các ngươi sẽ
không vào được Nước Trời” (Mt 18:3).
10. Hối tâm:
Là những người khiêm nhường nhận biết tội mình và có lòng thống hối
nài xin Chúa thương xót thứ tha. Thánh Vương Ðavít xác nhận: “Lễ tế cho
Thiên Chúa: tâm thần bầm tím, tấm lòng bầm tím và nghiền tán, lạy Thiên
Chúa, Người sẽ chẳng khinh” (Tv 51:19). Người thu thuế cầu nguyện thưa
với Chúa: “Lạy Thiên Chúa, xin khấng thương tôi là đứa tội lỗi” trong
đền thờ là hình ảnh của những người này(Lc 18:13).
11. Tri tâm:
Là tâm hồn khao khát và nỗ lực tìm hiểu và thực hành thánh ý và lề
luật của Chúa, nhận biết mọi sự là ơn Chúa và tận tâm đáp đền ơn Chúa.
Thánh Vịnh gia diễn tả điều này như sau: “Lòng dạ ngay chính, tôi sẽ tạ
ơn Người, bởi được học biết các phán quyết công minh của Người” (Tv
119:7).
12. Toàn tâm:
Là tâm hồn biết quy hướng mọi sự về Chúa và đặt Chúa là tất cả trong
mọi sự. Họ luôn ghi lòng tạc dạ giới răn trọng nhất của Chúa: “Ngươi
phải yêu mến Chúa, Thiên Chúa ngươi, hết lòng ngươi, hết linh hồn ngươi,
hết trí khôn ngươi và hết cả sức lực ngươi” (Mc 12:30).
Tất
cả những đặc tính của một tâm hồn am hợp với Thiên Chúa được diễn tả
trên đây đều được tìm thấy nơi Trái Tim Vẹn Sạch của Mẹ Maria.
Lời nguyện xin cho được tâm hồn thơ bé
Lạy Thánh Nữ Maria là Mẹ Chúa Trời.
Xin Mẹ giữ cho con tâm hồn thơ bé
Như suối kia tinh khiết trong ngần.
Xin Mẹ cho con tấm lòng đơn bạch
Không ủ ê nhấm nháp ưu phiền.
Một trái tim luôn sẵn sàng cống hiến
Và dịu dàng luôn biết cảm thông.
Một trái tim quảng đại trung thành,
Không quên sót một ơn lành đã nhận,
Không để lòng thù hận một ai.
Xin Mẹ cho con quả tim khiêm tốn dịu hiền,
Biết yêu người mà không đòi đáp lại,
Vui vẻ xóa mình trước mặt Con Chí Ái
Trong tâm hồn bất cứ một ai.
Một trái tim cao cả không gì đánh bại,
Không bao giờ khép lại trước một nỗi vong ân,
Không nản bước chùn chân vì thờ ơ lãnh đạm.
Một trái tim dằn vặt vì vinh quang của Chúa,
Mang vết thương bởi lòng mến yêu Người
Cho tới lúc được lên Trời mới khỏi mà thôi.
(Theo Cha Leonce de Grand-Maison bản dịch của Cha Nguyễn Công Ðoan, SJ).
Lm Phạm Quốc Hưng, CSsR.
-----------------------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét