Trang

Thứ Ba, 12 tháng 6, 2012

Tháng Sùng Kính Thánh Tâm ngày 13


Việc thứ 6: Suy ngắm cuộc tử nạn Chúa

Một thầy ẩn tu rất đạo đức cầu nguyện rằng: Lạy Chúa, xin soi sáng cho con biết việc đạo đức nào làm đẹp lòng Chúa hơn?
Chúa Giêsu hiện ra, vai vác thánh giá nặng, đầu đội mũ gai, mình đầy máu me, Chúa phán:
“Con ơi, lòng Cha yêu thương loài người đến thế này đây, con hãy nhìn ngắm các vết thương Cha. Con có nghĩ được cách nào khác để Cha tỏ lòng yêu của Cha với loài người hơn được nữa không? Vậy mà được mấy người thực lòng mến Cha? Còn biết bao nhiêu  người nghe theo ma quỉ, mê đắm những cái hư hèn chóng qua mà xa cách Cha, thờ ơ lãnh đạm với Cha, chê chối Cha, phụ tình Cha. Cha chết để cứu họ khỏi hỏa ngục, nhưng họ lại từ chối ơn Cha, tự gieo mình xuống biển lửa! Ôi, còn gì làm đau lòng Cha hơn.
Hỡi con, để bù vào sự lạnh nhạt của người đời, để an ủi Cha, con hãy năng SUY NGẮM SỰ THƯƠNG KHÓ CHA. Sự thương khó, phải, cả cuộc đời Cha từ lúc sinh ra trong hang bò lừa, cho đến khi chết trần trên thánh giá là một chuỗi ngày đau khổ hơn ai hết.
Đó là việc đẹp lòng Cha hơn cả. Con đừng bỏ việc Cha yêu thích đó".
   
THÁNH GIÁ ÐƯỜNG VÀO THÁNH TÂM
 Lm. Phạm Quốc Hưng, C.Ss.R. 
Trong cuốn Cuộc Thương Khó và Tử Nạn của Chúa Giêsu Kitô, Thánh Anphong Liguori có trích lời nhà hiền triết Cicero bàn về đặc tính của tình yêu như sau: “Có hai điều khiến chúng ta nhận biết một người đang yêu; một là làm những điều tốt đẹp cho người mình yêu, hai là chịu đau khổ vì người mình yêu; và điều sau này là dấu chỉ lớn nhất của tình yêu chân thực.”
Cả hai dấu chỉ của tình yêu chân thực trên đã được thể hiện một cách trọn hảo nơi Thánh Tâm Chúa Giêsu, tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại nói chung và mỗi người chúng ta nói riêng, khi chúng ta chiêm ngắm mầu nhiệm Nhập Thể và Cứu Chuộc của Người.
Chính Chúa Giêsu cũng xác định điều này khi Người nói: “Quả vì Thiên Chúa đã yêu thương thế gian như thế (đó) đến đỗi thí ban Người Con Một, ngõ hầu phàm ai tin vào Ngài thì khỏi phải hư đi, nhưng được có sự sống đời đời” (Jn 3:16) và “Không có lòng mến nào lớn hơn là thí mạng sống mình vì bạn hữu” (Jn 15:13).
Vì Chúa Giêsu đã chọn Thánh Giá là phương thức để “thí mạng mình vì bạn hữu” và vì Giáo Hội dạy chúng ta “thờ lạy và ngợi khen Chúa Kitô vì Chúa đã dùng Thánh Giá Chúa mà chuộc tội cho thiên hạ,” như chúng ta vẫn đọc khi ngắm Các Chặng Ðàng Thánh Giá, nên việc suy tôn Thánh Giá là một điều không thể thiếu được trong việc sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Ðiều này đã được Ðức Thánh Cha Piô XII khẳng định trong Thông Ðiệp Về Lòng Sùng Kính Thánh Tâm như sau: .”..lòng sùng kính nồng nhiệt đối với Thánh Tâm Chúa không chút nghi ngờ sẽ khích lệ và cổ cõ lòng sùng kính Thánh Giá...”

Thánh Giá trong kế đồ cứu chuộc của Thiên Chúa

Thánh Giá, biểu tượng của Cuộc Thương Khó và Tử Nạn của Chúa Giêsu, không phải là một tai nạn ngẫu nhiên trong cuộc đời nhân thế của Chúa Giêsu, nhưng đã được định sẵn trong chương trình cứu chuộc từ đời đời của Thiên Chúa. Ðiều này đã được báo trước nơi các sấm ngôn trong Cựu Ước.
Thực vậy, các Phúc Âm luôn giới thiệu Chúa Giêsu như Người Tôi Tớ Ðau Khổ của Thiên Chúa theo lời sấm của Ngôn Sứ Isaia:
”Tôi đã giơ lưng cho người đánh đập, và chìa má cho kẻ nhổ râu. Tôi đã giấu mặt tránh nhục nhằn và khạc nhổ. Ðức Chúa sẽ hộ vực tôi, khiến tôi không bị nhục nhằn; khiến tôi mặt mày trơ trơ như đá cuội, và tôi biết là tôi sẽ không phải thẹn thuồng” (Is 50: 6-7).
Ðồng thời, các thánh sử cũng cho thấy những lời sấm trong Cựu Ước về một Ðấng Cứu Thế Chịu Ðau Khổ đã nên trọn nơi cuộc Tử Nạn và Thương Khó của Chúa Giêsu:
”Ðóng đinh Ngài rồi, họ rút thăm và chia nhau áo xống Ngài, ngõ hầu nên trọn điều tiên tri đã nói: Chúng đã chia nhau áo xống tôi, và áo chùng của tôi chúng đã bỏ thăm” (Mt 27:35).
”Ðúng giờ thứ ba, thì họ đã đóng đinh Ngài. Tấm biển kê bản án Ngài đề là: Vua dân Do Thái. Cùng với Ngài, họ cũng đóng đinh thập giá hai tên cướp, một tên bên hữu, một tên bên tả Ngài, và đã nên trọn lời Sách Thánh rằng: Ngài bị liệt hàng cùng kẻ ác nhân” (Mc 15:25-28).
”Ðến bên Ðức Giêsu, họ thấy Ngài đã chết, thì không đập bể ống chân Ngài, nhưng một người lính lấy đòng đâm cạnh sườn Ngài, và lập tức có máu và nước chảy ra. Người trông thấy đã làm chứng—và chứng của người ấy là chứng xác thực, và người biết là đã nói thực—ngõ hầu cả anh em nữa cũng tin. Các điều ấy xảy ra là để Kinh Thánh được nên trọn: Không một xương nào của Người sẽ bị giập. Lại còn lời Kinh Thánh khác nói: Chúng sẽ trông lên Người chúng đã đâm” (Jn 19:33-37).
Sau khi sống lại và hiện ra với hai môn đệ trên đường đi Emmau, chính Chúa Giêsu cũng xác nhận rằng Người đã đón nhận mọi đau khổ, nhục nhã và cái chết tất tưởi trên thập giá để tất cả lời Kinh Thánh chứa đựng chương trình và thánh ý Chúa Cha được nên trọn nơi Ngài: “‘Hỡi những kẻ ngu độn và trí lòng chậm tin vào mọi điều các tiên tri đã nói! Thế thì Ðức Kitô lại không phải chịu khổ nạn như thế đã, rồi mới vào vinh quang của Ngài sao?’ Và khởi đi từ Môsê và hết thảy các tiên tri, Ngài dẫn giải cho họ các điều đã viết về Ngài trong toàn bộ Kinh Thánh” (Lc 24:25-27).
Và Người đã lập lại điều đó khi hiện ra với các tông đồ tại Giêrusalem: “‘Những lời này, Ta đã nói cùng các ngươi, khi còn ở giữa các ngươi, là phải nên trọn mọi điều đã viết về Ta trong luật Môsê và các tiên tri và Thánh Vịnh.’ Bấy giờ Ngài mở trí cho họ hiểu Kinh Thánh. Rồi Ngài nói với họ: ‘Ðã viết như thế: Ðức Kitô phải chịu khổ nạn và ngày thứ ba thì sống lại từ cõi chết; và nhân danh Ngài, phải được rao giảng cho mọi dân tộc việc hối cải để được tha thứ tội lỗi—khởi từ Giêrusalem. Về các điều ấy, các ngươi là chứng nhân” (Lc 24:44-48).

Thánh Giá trong tâm tư Chúa Kitô

Chúa Giêsu luôn nhìn nhận sự hiện diện không thể tránh được của Thánh Giá trong ý định yêu thương và chương trình cứu độ Thiên Chúa. Tất cả sứ mạng và cuộc đời của Người không nhắm vào một mục đích nào khác hơn là thực hiện thánh ý Chúa Cha như Thánh Phaolô đã viết: “Bởi đó lúc vào trần gian Ngài nói: Hi sinh cùng lễ vật Người đã chẳng màng, nhưng Người đã nắn lên thân xác cho con. Các lễ toàn thiêu cùng tạ tội, Người đã chẳng đoái. Bấy giờ, con nói: Này con đến,--như trong cuốn sách đã viết về con—để thi hành ý muốn của Người, lạy Thiên Chúa” (Heb 10:5-7).
Và Người khao khát đón nhận Thánh Giá—Cuộc Thương Khó và Tử Nạn—như “chén cứu độ” để bày tỏ sự đầu phục thánh ý Chúa Cha một cách tuyệt đối. Ngài nói: “Có thanh tẩy Ta phải chịu, và Ta những bồn chồn chờ đến lúc hoàn tất” (Lc 12:50) và “Lạy Cha! nếu Cha muốn, xin cất chén này đi khỏi con! Song đừng cho ý của con, mà là ý của Cha được thành sự!” (Lc 22:42).
Hơn nữa, Chúa Giêsu còn muốn cho các môn đệ biết rằng con người, sứ mạng và cả cuộc đời của Người bao giờ cũng gắn liền với Thánh Giá. Tất cả những quan niệm về một Ðức Kitô tách biệt khỏi Thánh Giá đều là những quan điểm sai lầm. Tất cả những hình ảnh về một Ðức Kitô ngoài Thánh Giá đều là những hình ảnh bị bóp méo và lệch lạc. Tất cả những ý định khước từ Thánh Giá đều đi ngược lại thánh ý Chúa Cha và phải được xem như đến từ quỷ dữ. Ðiều này được thấy rõ hơn cả khi Chúa Giêsu báo trước cho các môn đệ cuộc Thương Khó và Tử Nạn của Người, sau khi Thánh Phêrô tuyên xưng Người là Ðức Kitô. Và Thánh Phêrô đã bị Chúa Giêsu trách mắng khi ông tỏ ý can ngăn Người đừng lên Giêrusalem (Mt 16:21-23).
Một điều đáng lưu ý là Chúa Giêsu không bao giờ nói đến thực tại Thánh Giá mà không nói đến Phục Sinh. Ðau khổ và nhục nhã của Thánh Giá chỉ có thể được đón nhận và trân quý trong ánh sáng của vinh quang Phục Sinh: “Từ bấy giờ, Ðức Giêsu bắt đầu tỏ cho môn đồ hay: Ngài phải đi Giêrusalem và chịu nhiều đau khổ do hàng niên trưởng và các thượng tế cùng ký lục, và bị giết đi, và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Mt 16:21).
Người còn cho thấy Thánh Giá mà chính là phương thế Người dùng để nâng con người từ hố sâu tội lỗi lên cùng Thiên Chúa: “Và Ta, một khi Ta được giương cao khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lại với Ta” (Jn 12:32).
Chúa Giêsu còn đặt việc chấp nhận Thánh Giá làm điều kiện thiết yếu để trở thành môn đệ của Người. Ðồng thời, mầu nhiệm Thánh Giá—qua khổ giá để đến vinh quang, chết để sống, mất để được—còn được Chúa Giêsu vạch ra như một nguyên tắc, một định luật căn bản của Tin Mừng: “Nếu ai muốn đi sau Ta, thì hãy chối bỏ chính mình, hãy vác lấy khổ giá của mình và hãy theo Ta. Vì kẻ muốn cứu lấy sự sống mình thì sẽ mất; còn kẻ nào mất sự sống mình vì Ta, thì sẽ tìm được lại” (Mt 16:24-25).

Thánh Giá nơi đời sống các tông đồ

Ngay trong bài giảng đầu tiên trong Lễ Ngũ Tuần, Thánh Phêrô đã thay mặt các tông đồ để rao giảng Tin mừng Chúa Giêsu Phục Sinh. Cuộc Thương Khó và Tử Nạn của Người bao giờ cũng được nhắc đến như một thực tại không thể tách rời khỏi Tin Mừng Phục Sinh:
”Các ông, người Israel, xin nghe các lời này: Giêsu Nazaret, người được Thiên Chúa ủy nhiệm đến với các ông bằng những việc quyền năng, những điềm thiêng cùng dấu lạ, tức là những việc Thiên Chúa đã dùng Ngài để thi hành giữa các ông như các ông biết,--thể theo ý định đã vạch sẵn và sự dự tri của Thiên Chúa mà bị phó nộp, thì các ông đã thủ tiêu Ngài đi, và dùng tay vô đạo đóng đinh thập giá. Thiên Chúa đã cho Ngài sống lại, đã gỡ Ngài khỏi các nỗi đau khổ sự chết, bởi chưng sự chết vô phương cầm hãm được Ngài dưới quyền nó” (Acts 2:22-24).
”Vậy xin toàn thể nhà Israel hãy biết chắc là: Thiên Chúa đã đặt làm Chúa, và làm Kitô, Ðức Giêsu mà các người đã đóng đinh kia” (Acts 2:36).
Cũng vậy, Thánh Phaolô—Tông Ðồ Dân Ngoại—coi Chúa Giêsu Chịu Ðóng Ðinh là đối tượng duy nhất trí lòng ông và là chủ đề duy nhất của tất cả những lời rao giảng:
”Quả tôi đã quyết định là nơi anh em, tôi không muốn biết gì ngoài Ðức Kitô Giêsu, và là (Ðức Giêsu Kitô) bị đóng đinh thập giá” (1 Cor. 2:2).
”Vì chưng trong khi Do Thái đòi có dấu lạ, và Hy Lạp tìm sự khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Vị Kitô đã bị đóng đinh Thập Giá, cớ vấp phạm cho Do Thái, sự điên rồ đối với dân ngoại, nhưng đối với những ai được kêu gọi dù là Do Thái hay Hy Lạp, thì lại là chính Ðức Kitô, quyền năng của Thiên Chúa, và sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1 Cor 1:23-24).
Hơn nữa, Thánh Giá Chúa Kitô đã khơi dạy nơi Thánh Tông Ðồ tình yêu nồng cháy đối với Người và chọn Người là lẽ sống cho mình cũng như lẽ sống cho tất cả những ai nhận biết Người: “Vì lòng mến của Ðức Kitô thúc bách chúng tôi, bởi đã được xác tín rằng: Một Ðấng đã chết vì mọi người, vậy thì mọi người đều đã chết! Và Ngài đã chết vì mọi người, để ai sống thì đừng sống cho chính mình nữa, nhưng là cho Ðấng đã chết và sống lại vì họ” (2 Cor 5:14-15).
Cuộc Thương Khó và Tử Nạn của Chúa Giêsu được Thánh Phêrô coi như mẫu mực để mỗi tín hữu phỏng theo trong cuộc đời của họ: “Quả là một ân sủng, nếu vì lương tâm đối với Thiên Chúa, mà phải lụy vào thân, bất công chịu khổ...Quả chính vì thế mà anh em đã được kêu gọi, bởi chưng Ðức Kitô cũng đã chịu nạn chịu chết vì anh em, trối lại cho anh em một gương mẫu, ngõ hầu anh em dõi theo vết chân Ngài” (1 Pet 2:19,21).
Thánh nhân còn kêu gọi các tín hữu hãy vui mừng tùy theo mức độ họ được tham dự vào mầu nhiệm Thánh Giá của Chúa Giêsu: “Nhưng càng được chung phần thống khổ của Ðức Kitô chừng nào, anh em hãy vui mừng! Ngõ hầu khi vinh quang của Ngài mạc khải ra, anh em được vui mừng hớn hở. Nếu anh em phải chịu sỉ vả vì Danh Ðức Kitô, thì phúc cho anh em, vì Thần Khí vinh quang, Thần Khí của Thiên Chúa, sẽ đậu lại trên anh em” (1 Pet 4:13-14).
Ðó cũng là niềm xác tín của Thánh Phaolô khi ngài viết: .”..nếu ta chết làm một với Ðức Kitô, thì ta tin rằng: ta cũng sẽ cùng sống với Ngài” (Rom 6:8). Hơn nữa, Thánh Tông Ðồ còn coi Thánh Giá là phương thế giúp ngài kết hợp mật thiết với Chúa Kitô và chia sẻ sự sống của chính Người. Thánh nhân viết: .”..tôi đã cùng bị đóng đinh thập giá với Ðức Kitô. Tôi sống, nhưng không phải tôi, mà là chính Ðức Kitô sống trong tôi” (Gal 2:19-20).
Vì vậy, Vị Tông Ðồ Dân Ngoại coi việc chịu đau khổ vì Chúa Kitô hay tham dự vào mầu nhiệm Thánh Giá là một ân điển lớn lao đáng mọi tín hữu phải khao khát hơn mọi sự: “Nhưng những điều kể được là lợi lộc cho tôi đó, tôi đã coi là thua lỗ bất lợi vì Ðức Kitô. Mà chẳng những thế, tôi còn coi mọi sự là thua lỗ bất lợi cả, vì cái lợi tuyệt vời là được biết Ðức Kitô Giêsu, Chúa tôi. Vì Ngài, tôi đành thua lỗ mọi sự, và coi là phân bón cả, để lợi được Ðức Kitô, và được thuộc về Ngài, không có sự công chính của riêng tôi, sự công chính nại vào lề luật, song sự công chính nhờ lòng tin vào Ðức Kitô, sự công chính do tự Thiên Chúa ban xuống cho lòng tin; để được biết về Ngài và quyền năng sống lại của Ngài, cùng được thông phần vào các sự thống khổ của Ngài: được đồng hình đồng dạng với sự chết của Ngài, để làm sao đạt đến ơn phục sinh từ cõi chết” (Phil 3:7-11).


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét