Trang

Thứ Tư, 31 tháng 8, 2011

GIÚP SUY NGHĨ & GÓP Ý CHO CÔNG NGHỊ GIÁO PHẬN 2011

Là ĐT/CGTH , GĐPTTTCG TGP Saigòn cùng nhau tham khảo và  tìm hiểu hướng đi của Giáo hội VN trong giai đoạn hậu Đại Hội Năm Thánh, đồng thời  tích cực tham gia vào việc xây dựng GH theo phạm vi khả năng mỗi người trong vai trò tông đồ giáo dân của ĐT/CGTH.
BTH GĐPTTTCG  
TÀI LIỆU HỌC HỎI:

Những câu hỏi giúp suy nghĩ và góp ý cho Công nghị Giáo phận

Công nghị giáo phận là cơ hội để mọi thành phần trong gia đình giáo phận tham gia vào công cuộc đổi mới theo lời kêu gọi của Đại Hội Dân Chúa 2010, bằng cách đưa tinh thần và nội dung của Thư Chung hậu Đại Hội 2010 vào trong mọi lãnh vực của đời sống và sinh hoạt của giáo phận trong những năm tới”. Nhờ đó, mọi người “ý thức vượt qua khung nếp khép kín do hoàn cảnh xưa nay tạo ra, mở rộng sự hiệp thông trong GH, hòa nhập vào đời sống văn hóa xã hội, hướng đến chu toàn sứ vụ loan báo Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô, vì sự sống mới của gia đình nhân loại cùng đất nước hôm nay” (Trích Lời Chủ Chăn tháng 6/2011).
Để đạt mục đích này, trước hết mọi thành phần trong gia đình giáo phận phải chuyên cần cầu nguyện xin Chúa Thánh Thần ban cho cộng đồng Dân Chúa ơn soi sáng và khôn ngoan, ơn sức mạnh và ơn đổi mới; kế đến, tích cực tham gia học hỏi Thư Chung và đóng góp ý kiến cho Công Nghị; cuối cùng, tích cực tham gia Công Nghị và công cuộc đổi mới được gợi hứng từ Công Nghị này.
Những câu hỏi sau đây được soạn thảo nhằm trình bày những định hướng chính của Thư Chung, đồng thời thúc đẩy suy nghĩ về việc đưa những định hướng đó vào đời sống và sinh hoạt của giáo phận, giáo xứ, dòng tu và các cộng đoàn.

CHƯƠNG MỘTHIỆN TRẠNG XÃ HỘI VIỆT NAM DƯỚI ÁNH SÁNG ĐỨC TIN

1.   Các giám mục nhận thấy có những tác động tiêu cực làm cho sự sống bị hủy hoại (môi trường sống bị tàn phá, môi trường học đường bị ô nhiễm do bệnh thành tích và thương mại hóa, nhiều tệ nạn xã hội như nghiện ngập, phá thai, mãi dâm, bạo lực …), lương tâm có dấu hiệu bị phá sản (tiêu chuẩn tốt xấu trở thành tương đối, thói gian dối và lừa đảo, làm bất cứ điều gì để hưởng lợi miễn là không bị bắt hay không ai nhìn thấy …), và tình yêu bị biến dạng (những giá trị như tình nghĩa gia đình, tương thân tương ái, tôn sư trọng đạo ... bị đe dọa nghiêm trọng do não trạng duy vật và hưởng thụ).

– Trong giáo xứ và khu vực anh chị em đang sống, sự sống bị hủy hoại, lương tâm bị phá sản và tình yêu bị biến dạng như thế nào?
– Giáo xứ và các gia đình đã làm gì để vượt qua tình trạng tiêu cực này?

2. Các giám mục xác tín rằng : “Sự thăng tiến con người toàn diện và sự phát triển bền vững của xã hội phải được đặt nền trên những giá trị đạo đức và tôn giáo”.

– Anh chị em có chia sẻ với các ngài niềm xác tín này không? Tại sao?
– Giáo xứ và các cộng đoàn có thể làm gì để cổ võ những giá trị đạo đức và tôn giáo trong đời sống xã hội?

CHƯƠNG HAI : SỐNG MẦU NHIỆM

GIÁO HỘI, GIA ĐÌNH CỦA THIÊN CHÚA

3. “Mầu nhiệm hiệp thông của Thiên Chúa Ba Ngôi vừa là suối nguồn vừa là mẫu mực và cùng đích của sự hiệp thông trong Giáo Hội. Không kết hợp với Thiên Chúa thì không thể nói đến hiệp thông trong Giáo Hội được” (số 20).

– Anh chị em hiểu điều này như thế nào?
– Giáo xứ và cộng đoàn đã làm gì để củng cố và nuôi dưỡng mối hiệp thông của mỗi tín hữu với Thiên Chúa Ba Ngôi?

4. Thư Chung nhấn mạnh vai trò đặc biệt của Lời Chúa trong đời sống GH và đề nghị “phát động chương trình mỗi gia đình một cuốn Kinh Thánh được đặt nơi xứng hợp, cổ võ đọc và cầu nguyện với Lời Chúa, khuyến khích học thuộc lòng những đoạn Thánh Kinh cốt yếu” (số 11).

– Giáo xứ và cộng đoàn của anh chị em đã thực hiện đề nghị này như thế nào? Đâu là những thuận lợi và những khó khăn?
– Anh chị em có đề nghị gì để Lời Chúa thực sự trở thành “nguồn sống dưỡng nuôi, ánh sáng soi đường và sức mạnh củng cố đức tin của các tín hữu trong mọi hoàn cảnh”?

5. Thư Chung kêu gọi “các mục tử phải chú tâm đến việc cử hành Thánh Thể thật sốt sắng và xứng đáng, nhất là ngày Chúa nhật, và hướng dẫn cộng đoàn tham dự Thánh Lễ cách ý thức, tích cực và sống động hơn”?

– Giáo xứ và cộng đoàn của anh chị em đã cử hành và tham dự Thánh Lễ Chúa nhật ra sao?
– Anh chị em muốn đề nghị điều gì về vấn đề này?

CHƯƠNG BA : SỐNG HIỆP THÔNG

HIỆP THÔNG VỚI NHAU TRONG GIA ĐÌNH CỦA THIÊN CHÚA

6. Mối quan tâm mục vụ hàng đầu của Giáo Hội Việt Nam trong những năm sắp tới là “xây dựng một Giáo Hội hiệp thông và tham gia” (số 23). Các linh mục phục vụ sự hiệp thông trong Giáo Hội bằng hai cách : một là chia sẻ trách nhiệm với giám mục của mình như chu toàn các phần vụ được trao cũng như hòa nhập vào đường hướng mục vụ chung của giáo phận; hai là đồng hành, lắng nghe, khích lệ và tạo điều kiện để giáo dân tích cực tham gia vào đời sống và sứ vụ của Giáo Hội.

– Trong giáo xứ và cộng đoàn của anh chị em, các linh mục đã thể hiện vai trò này như thế nào?
– Anh chị em muốn đề nghị điều gì để giúp các linh mục chu toàn trách nhiệm của các ngài?

7. Thư Chung kêu gọi các tu sĩ cần hòa nhập các hoạt động tông đồ của mình vào chương trình mục vụ chung của giáo phận, nơi họ đang hiện diện và phục vụ.
– Trong giáo xứ và giáo phận, anh chị em nhận định thế nào về vai trò và hoạt động của các tu sĩ?
– Anh chị em mong đợi gì nơi các tu sĩ?

8. Thư Chung mong muốn anh chị em giáo dân tham gia tích cực hơn vào việc học hỏi Lời Chúa, giáo lý, thần học, mục vụ, để đào sâu đức tin và nâng cao khả năng phục vụ cộng đoàn.

– Anh chị em đã thực hiện điều này như thế nào?
– Anh chị em góp ý gì để đưa lời đề nghị này vào thực tế đời sống của chúng ta?

9. Các giám mục nhận định rằng, để giáo dân có thể thực thi những quyền chính đáng và trách nhiệm của mình trong Giáo Hội, giáo phận và giáo xứ cần canh tân đường hướng hoạt động và quy chế tổ chức giáo phận, giáo xứ.

– Theo anh chị em, giáo xứ và cộng đoàn cần canh tân những gì, để giáo dân có thể thực thi những quyền chính đáng và trách nhiệm của mình trong Giáo Hội?

10. Giáo Hội Việt Nam trân trọng sự đóng góp của nữ giới trong đời sống Giáo Hội và mong muốn giúp họ thăng tiến, tích cực tham gia hơn nữa vào các sinh hoạt giáo xứ cũng như giáo phận.

– Trong giáo xứ và cộng đoàn của anh chị em, nữ giới tham gia thế nào vào đời sống và sinh hoạt của giáo xứ?
– Chúng ta có thể làm gì để thúc đẩy sự tham gia này?

11. Để người trẻ cộng tác và tham gia tích cực hơn vào đời sống Giáo Hội, các giám mục khuyến khích giới trẻ tham gia các hội đoàn và những sinh hoạt cộng đồng, góp phần lành mạnh hóa xã hội, dấn thân truyền giáo cho các bạn trẻ khác. Muốn được như thế, cần quan tâm đến giáo dục đức tin và nhân bản cho người trẻ, ngay từ khi còn là thiếu nhi, và tiếp tục khi sang tuổi thiếu niên và trưởng thành.

– Tình hình thiếu nhi và người trẻ trong giáo xứ và cộng đoàn của anh chị em hiện nay ra sao?
– Giáo xứ và cộng đoàn đã có những nỗ lực nào trong việc giáo dục nhân bản và đức tin cho thiếu nhi và người trẻ?
– Chúng ta cần làm gì để thiếu nhi và người trẻ tham gia vào đời sống GH nhiều hơn và tích cực hơn?


CHƯƠNG BỐN : SỐNG SỨ VỤ

LOAN BÁO TIN MỪNG TRONG HOÀN CẢNH NGÀY NAY

12. Các giám mục nhìn sứ vụ loan báo Tin Mừng không chỉ như một trong những hoạt động của Giáo Hội, nhưng như nắm men thấm nhập, khơi dậy và chi phối mọi khía cạnh trong đời sống Giáo Hội.

– Giáo xứ và cộng đoàn của anh chị em hiểu thế nào về loan báo Tin Mừng?
– Giáo xứ và cộng đoàn của anh chị em đã làm gì để thi hành sứ vụ này?
– Anh chị em có đề nghị gì cho giáo phận và giáo xứ trong việc thi hành sứ vụ này?

13. Việc loan báo Tin Mừng liên kết mật thiết với việc phục vụ sự sống và sự phát triển con người toàn diện về thể lý, tâm lý, tri thức, đạo đức.

– Giáo xứ và cộng đoàn của anh chị em đã quan tâm thế nào đến việc phục vụ sự sống và sự phát triển con người toàn diện?
– Giáo xứ và cộng đoàn có những chương trình nào để phục vụ sự sống và sự phát triển con người toàn diện?

14. Theo các giám mục, phương thế cụ thể để thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng trên quê hương Việt Nam hôm nay là tích cực cộng tác với mọi người thiện chí để “cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống”.

– Trong giáo xứ và cộng đoàn của anh chị em, có những dấu hiệu của “văn hóa sự chết” không (ma túy, phá thai, mãi dâm, tham nhũng, bất công)? Nếu có, ở mức độ nào?
– Giáo xứ và cộng đoàn của anh chị em đã làm gì để phục vụ tình thương và sự sống?
– Chúng ta có thể làm gì để bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống trong khu vực mình đang sống?

15. Để xây đắp nền văn minh tình thương và sự sống trong xã hội ngày nay, người công giáo cần thấu triệt giáo huấn xã hội của Giáo Hội. Giáo huấn này sẽ “soi sáng cho các tín hữu biết cách yêu mến quê hương, yêu thương mọi người không trừ ai, quan tâm phát triển nhân bản và văn hóa, xây dựng công bằng, tình liên đới, sự bình đẳng và tự do tôn giáo, qua nẻo đường hiền lành, khiêm nhường, bao dung và tha thứ” (số 33).

– Giáo xứ và cộng đoàn của anh chị em đã biết gì về giáo huấn xã hội của Giáo Hội?
– Theo anh chị em, bằng cách nào chúng ta có thể học hiểu và áp dụng giáo huấn này?

16. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhắn nhủ các tín hữu Việt Nam: “Bằng đời sống xây nền trên đức ái, sự liêm chính, việc quý trọng công ích, anh chị em phải chứng tỏ rằng là người công giáo tốt cũng là người công dân tốt”.

– Anh chị em hiểu thế nào về lời nhắn nhủ này?
– Anh chị em sẽ làm gì để thực hiện lời nhắn nhủ này?

17. Một trong những điều các giám mục quan tâm và ưu tư nhất là lãnh vực giáo dục. Mục đích chính của giáo dục công giáo là giúp người thụ huấn lắng nghe Thiên Chúa và tìm ra được ơn gọi của mình trong kế hoạch của Chúa. Do đó, Giáo Hội rất quan tâm đến việc giáo dục lương tâm, những giá trị nhân bản cũng như văn hóa đối thoại dưới ánh sáng Lời Chúa (số 38).

– Anh chị em nhận định ra sao về tình hình giáo dục nhân bản và đạo đức ngày nay?
– Giáo xứ và cộng đoàn của anh chị em đã làm gì để giúp mọi người sống theo lương tâm ngay chính và vun trồng những giá trị nhân bản?
– Anh chị em có đề nghị gì với giáo phận trong lãnh vực này?

18. Thư Chung kêu gọi các tín hữu “hỗ trợ những học sinh nghèo, nâng cao trình độ học vấn của giới trẻ, đồng hành với giới giáo chức công giáo” (số 37)
– Giáo xứ và cộng đoàn của anh chị em có chương trình cụ thể nào cho những gợi ý trên?
– Chúng ta có thể và nên làm gì để đáp ứng lời kêu gọi của các giám mục?

19. Tại Việt Nam cũng như trong thành phố của chúng ta, người công giáo sống chung với những anh chị em thuộc các tôn giáo khác. Các giám mục kêu gọi các tín hữu công giáo hợp tác với các tôn giáo khác trong công cuộc lành mạnh hóa xã hội và thăng tiến con người.

– Giáo xứ và cộng đoàn của anh chị em có mối quan hệ ra sao với các tôn giáo khác trong khu vực mình đang sống?
– Theo anh chị em, trong hoàn cảnh hiện nay, người công giáo có thể hợp tác với các tôn giáo khác trong những lãnh vực nào?

20. Thư Chung mời gọi chúng ta khám phá nơi người nghèo “nhu cầu cần được yêu thương và tôn trọng chứ không chỉ là được ban phát của cải vật chất” (s. 41). Đồng thời cần quan tâm đặc biệt đến “các bệnh nhân, những người tàn tật, già yếu, neo đơn, mồ côi, những thiếu nữ lầm lỡ, các tù nhân” (s. 41)
– Giáo xứ và cộng đoàn của anh chị em đã làm gì để thể hiện tình yêu thương và liên đới với người nghèo, không phân biệt tôn giáo?
– Anh chị em có đề nghị gì trong lãnh vực này?

21. Ý thức rằng gia đình là tế bào căn bản của xã hội và Giáo Hội, các giám mục khuyến khích các giáo phận và giáo xứ “hình thành một chương trình tiền và hậu hôn nhân thống nhất và xuyên suốt, giúp gia đình thăng tiến đời sống cầu nguyện, tăng trưởng tình yêu hợp nhất và chung thủy, ươm mầm các ơn gọi, chung tay giáo dục con cái trong sự thánh thiện và bền vững trong ân sủng của bí tích hôn nhân” (số 43).

– Giáo xứ và cộng đoàn của anh chị em có chương trình gì để giúp các bạn trẻ sắp bước vào đời sống hôn nhân, cũng như sau khi họ đã kết hôn?
– Anh chị em hiểu thế nào mỗi gia đình là một GH tại gia (cộng đoàn thờ phượng Chúa, yêu thương nhau, phục vụ mọi người)?
– Giáo phận và giáo xứ có thể làm gì để giúp đỡ và đồng hành với các gia đình?

22. Để giúp đỡ những anh chị em di dân, các giám mục kêu gọi sự hợp tác giữa các giáo phận gốc của họ với giáo phận họ đến, soạn thảo một cẩm nang chung về mục vụ di dân, cách riêng trong lãnh vực hôn nhân và dự tòng, tạo điều kiện và thúc đẩy họ tham gia vào đời sống và sinh hoạt của cộng đoàn tín hữu địa phương (số 45).

– Giáo xứ và cộng đoàn của anh chị em đã làm gì để giúp anh chị em di dân hội nhập đời sống của giáo xứ?
– Anh chị em có đề nghị gì với giáo phận trong lãnh vực mục vụ di dân?

23. Thư Chung nhấn mạnh rằng ngày nay “bảo vệ môi sinh là một bổn phận luân lý vì liên hệ đến sự sống và phẩm giá của hằng triệu người, trong hiện tại cũng như tương lai” (số 46). Vì thế “các mục tử nên tổ chức những khóa học về môi sinh cùng với những hướng dẫn cụ thể trong việc gìn giữ và bảo vệ môi trường sống của người dân địa phương” (số 46).

– Tình hình vệ sinh môi trường tại khu vực anh chị em đang sống hiện nay ra sao? Người công giáo có ý thức về bảo vệ môi sinh không? Tại sao?
– Anh chị em có biết rằng gìn giữ và bảo vệ môi trường sinh sống là một bổn phận luân lý không? Tại sao?
– Giáo xứ và cộng đoàn của anh chị em có thể làm gì để giúp mọi người ý thức hơn và tích cực hơn trong việc bảo vệ môi sinh?

24. Các giám mục nhận định rằng các phươngtiện truyền thông hiện đại là tặng phẩm Chúa ban cho Giáo Hội để phục vụ công cuộc loan báo Tin Mừng cách rộng rãi và nhanh chóng hơn. Tuy nhiên chúng cũng có thể bị lạm dụng để gây ra chia rẽ, hận thù và phóng túng, gieo rắc lối sống nghịch lại nền văn minh tình thương và sự sống (số 47). Vì thế những người làm công tác truyền thông cần hợp tác với nhau trong việc phổ biến những giá trị Tin Mừng qua các phương tiện truyền thông.

– Nhận định trên có phản ánh đúng tình hình hiện nay không?
– Giáo xứ và cộng đoàn của anh chị em đã làm gì để hướng dẫn các tín hữu, cách riêng người trẻ, trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông cách hữu ích cũng như sử dụng chúng để phổ biến những giá trị Tin Mừng?
– Anh chị em muốn đề nghị gì với giáo phận trong lãnh vực này?

25. Ngoài tất cả những câu hỏi đã nêu lên, anh chị em còn muốn đề nghị với Công nghị giáo phận điều gì nữa?

۞۞۞

Thứ Hai, 29 tháng 8, 2011

Tìm hiểu Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010

THƯ CHUNG HẬU ĐẠI HỘI DÂN CHÚA 2010

Câu hỏi tìm hiểu Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010
T7, 02/07/2011 - 05:29

 WGPSG -- Trong Lời Chủ Chăn tháng 6/2011, Đức Hồng Y đã thông báo về việc tổ chức Công Nghị Giáo Phận vào các ngày 21-25/11/2011 tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận. Ngài đề nghị Ban tổ chức Công Nghị Giáo Phận, dựa trên Thư Chung 2011 (Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010), biên soạn những câu hỏi để mọi người trao đổi và đưa ra những đề nghị cụ thể cho Công Nghị.
Dưới đây là những CÂU HỎI TÌM HIỂU THƯ CHUNG HẬU ĐẠI HỘI DÂN CHÚA 2010. 

CÂU HỎI TÌM HIỂU THƯ CHUNG HẬU ĐẠI HỘI DÂN CHÚA 2010
DẪN NHẬP
  1. H. Thư Chung 2011 được hình thành từ đâu?
T. Thư Chung được hình thành từ diễn đàn của Đại Hội Dân Chúa 2010, trong đó “các đại diện của mọi thành phần Dân Chúa sử dụng quyền tự do thiêng liêng của con cái Chúa, nói lên những nhận thức của trí tuệ được đức tin soi sáng, những thao thức của trái tim được đức mến nung nấu, và những khát vọng của ý chí được đức cậy khơi dậy, nhằm xây dựng và củng cố ngôi nhà Giáo Hội Chúa Kitô giữa lòng quê hương VN thân yêu của chúng ta hôm nay và ngày mai” (s.48).

2. H. Mục đích của thư chung 2010 của HĐGMVN là gì?
T. Mục đích của thư chung 2010 của HĐGMVN là “định hướng cho đời sống và hoạt động của Giáo Hội tại Việt Nam trong hoàn cảnh hiện nay” (s. 2).

3. H. Để định hướng cho đời sống và sứ vụ của GHVN trong hoàn cảnh hiện nay, HĐGMVN đã làm những gì?
T. Để định hướng cho đời sống và sứ vụ của GHVN trong hoàn cảnh hiện tại, HĐGMVN đã làm các việc sau: một là lắng nghe, nhận diện và phân định những thực tại xã hội dưới ánh sáng Tin Mừng; hai là khám phá lại căn tính của mình như là công trình tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi; ba là tìm cách thể hiện căn tính của mình bằng cách củng cố sự hiệp thông và phát huy nhiệt tình truyền giáo hay tham gia xây dựng ngôi nhà Giáo Hội và hòa nhập vào đời sống xã hội để bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống.

CHƯƠNG MỘT : HIỆN TRẠNG XÃ HỘI VIỆT NAM DƯỚI ÁNH SÁNG ĐỨC TIN

4. H. HĐGMVN đã nhận diện và phân định thế nào về những tác động tiêu cực trên đời sống người Việt nói chung và tín hữu Công giáo nói riêng?
T. HĐGMVN nhận thấy có những tác động tiêu cực trên đời sống tín hữu hiên nay; đó là xu hướng toàn cầu hóa, chủ nghĩa tương đối và hưởng thụ, chủ nghĩa duy vật và vô thần, chủ nghĩa tục hóa, óc cục bộ và vô tín, não trạng và lối sống thực dụng.

5. H. HĐGMVN đã nhận diện và phân định những tác hại của chúng như thế nào?
T. HĐGMVN nhận thấy có những dấu hiệu của “văn minh sự chết”: sự sống bị hủy hoại, lương tâm bị phá sản và tình thương bị lạm dụng.

6. H. HĐGMVN đã nhận diện những thách đố nào?
T. HĐGMVN nhận ra nhu cầu bồi đắp văn minh tình thương và sự sống.

7. H. HĐGMVN có thái độ nào trước những thách đố hiện nay?
T. HĐGMVN xác tín rằng “sự thăng tiến con người toàn diện và sự phát triển bền vững của xã hội phải được đặt nền trên những giá trị đạo đức và tôn giáo”. HĐGMVN nhận đây là cơ hội thúc đẩy GH canh tân, “tự vấn lương tâm trong tư cách cộng đồng cũng như trong tư cách cá nhân, xem chúng ta có thể sống đức tin thế nào cho tốt hơn và thi hành hiệu quả hơn sứ mệnh chúng ta đã lãnh nhận từ Chúa Giêsu” (s. 9).

CHƯƠNG HAI : GIÁO HỘI, GIA ĐÌNH CỦA THIÊN CHÚA

8. H. GHVN nhận mình là gì?
T. GHVN nhận mình là gia đình của Thiên Chúa, là công trình của tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi, là bí tích cứu độ, là dấu chỉ và khí cụ của Nước Trời.

9. H. Khi nhận mình là gia đình của Thiên Chúa, GHVN muốn nhấn mạnh điều gì?
T. Khi nhận mình là gia đình của Thiên Chúa, GHVN muốn nhấn mạnh đến yêu thương, sự hợp nhất và liên đới giữa mọi thành phần trong GH.

10. H. Khi xem mình là công trình của tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi, GH muốn nhấn mạnh điều gì?
T. GH muốn nhấn mạnh rằng «mầu nhiệm hiệp thông của Thiên Chúa Ba ngôi vừa là suối nguồn vừa là mẫu mực và cùng đích của hiệp thông trong GH … nguồn mạch và nền tảng cơ bản cũng như điều kiện thiết yếu cho sự hiệp thông giữa các tín hữu trong GH, chính là sự hiệp thông với Thiên Chúa » (s.20).

11. H. Theo giáo lý, hiệp thông với Thiên Chúa là hiệp thông những gì?
T. Theo giáo lý, hiệp thông với Thiên Chúa là «thông phần cùng một Chúa Thánh Thần, thông dự các thực tại thánh, và thông công giữa các thánh» (s.20).

12. Cụ thể, hiệp thông với Thiên Chúa là hiệp thông những gì?
T. Hiệp thông với Thiên Chúa là hiệp thông «trong cùng giáo lý tông đồ, cùng một cử hành bí tích, cùng một phẩm trật » (s.20), và «trong yêu thương giữa các tín hữu» (s.21).

13. GHVN cần phải làm gì để củng cố sự hiệp thông với Chúa?
T. GHVN cần phải quan tâm đến việc vun trồng đời sống nội tâm cho các tìn hữu bằng học hỏi Lời Chúa và giáo lý, lãnh nhận các bí tích đặc biệt là hai bí tích Thánh Thể và Hòa giải, tham gia xây dựng Giáo hội và xã hội.

CHƯƠNG BA : HIỆP THÔNG VỚI NHAU TRONG GIA ĐÌNH CỦA THIÊN CHÚA

14. H. Mối tương quan giữa giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân được đặt trên nền tảng nào?
T. Mối tương quan giữa giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân được đặt nền trên phẩm giá bình đẳng của mọi tín hữu, cũng như trên tinh thần đồng trách nhiệm của từng tín hữu nơi Thân Mình Đức Kitô.

15. H. Mối quan tâm mục vụ hàng đầu của GHVN trong những năm sắp tới là gì?
T. Mối quan tâm mục vụ hàng đầu của GHVN trong những năm sắp tới là “xây dựng một GH hiệp thông và tham gia” (s.23)

16. H. Các linh mục cần phải làm gì để xây dựng hiệp thông trong GH?
T. Các linh mục xây dựng hiệp thông trong GH bằng hai cách: một là chia sẻ trách nhiệm với giám mục của mình như chu toàn các phần vụ được trao cũng như hòa nhập vào đường hướng mục vụ chung của giáo phận; hai là đồng hành, lắng nghe, khích lệ và tạo điều kiện để giáo dân tích cực tham gia vào đời sống và sứ vụ của GH.

17. H. Các tu sĩ có thể làm gì để phát huy sự hiệp thông và tham gia trong GH?
T. Các tu sĩ cần hòa nhập các hoạt động tông đồ của mình vào chương trình mục vụ chung của giáo phận, nơi họ đang hiện diện và phục vụ.

18. H. Giáo dân đã và đang đóng góp thật phong phú và quảng đại cho đời sống và sứ vụ của GH như thế nào?
T. Giáo dân đã và đang đóng góp cho đời sống và sứ vụ của GH như cầu nguyện và siêng năng tham dự thánh lễ, tham gia các hoạt động tông đồ và các đoàn thể, chia sẻ công sức và tiền của để xây dựng cộng đoàn giáo xứ và góp phần đào tạo linh mục.

19. H. Giáo dân cần phát huy những gì?
T. Giáo dân cần tham gia học hỏi Lời Chúa, giáo lý, thần học, mục vụ để đào sâu đức tin và nâng cao khả năng phục vụ cộng đoàn.

20. H. Để giáo dân có thể thực thi những quyền chính đáng và trách nhiệm của mình trong GH, Giáo phận và giáo xứ cần phải làm gì hơn nữa?
T. Giáo phận và giáo xứ cần canh tân đường hướng hoạt động và qui chế tổ chức giáo phận và giáo xứ.

21. H. Đối với nữ giới, những người đang góp phần tuy âm thầm nhưng rất quan trọng trong việc xây dựng Dân Chúa, GHVN cần phải làm gì?
T. GHVN cần đề cao vai trò của phụ nữ và tạo điều kiện giúp họ thăng tiến, tích cực tham gia các sinh hoạt giáo xứ, giáo phận.

22. H. GHVN cần phải làm gì để người trẻ cộng tác và tham gia vào đời sống cộng đoàn?
T. GHVN nên nghiên cứu và mạnh dạn tổ chức những cử hành phụng tự thích hợp, khuyến khích giới trẻ tham gia vào các hội đoàn và những sinh hoạt cộng đồng, góp phần vào việc lành mạnh hóa xã hội hay dấn thân truyền giáo tại những nơi xa xôi. Để được như thế, người trẻ cần được chuẩn bị chu đáo bằng việc giáo dục đức tin và nhân bản cho thiếu nhi. 

23. H. Để xây dựng GH như “dấu chỉ và khí cụ của sự hợp nhất giữa Thiên Chúa với con người cũng như giữa con người với nhau”, mọi thành phần Dân Chúa cần phải làm gì?
T. Mọi thành phần Dân Chúa phải cộng tác với nhau, trong tác động của cùng một Chúa Thánh Thần. 

CHƯƠNG BỐN : LOAN BÁO TIN MỪNG TRONG HOÀN CẢNH NGÀY NAY

24. H. HĐGMVN nhìn sứ vụ loan báo Tin Mừng như thế nào?
T. HĐGMVN nhìn sứ vụ loan báo Tin Mừng không như một trong những hoạt động của GH, mà như nắm men thấm nhập, khơi dậy và chi phối mọi khía cạnh đời sống GH (s.31).
25. H. Vì sao sứ vụ loan báo Tin Mừng có tính duy nhất và toàn diện?
T. Sứ vụ có tính cách duy nhất vì tất cả đều khởi đi và quy hướng về Đức Giêsu Nadarét và mầu nhiệm của Người, toàn diện vì bao gồm toàn bộ hoạt động của GH: từ việc loan báo Tin Mừng đầu tiên, giáo dục đức tin, đến việc đem Tin Mừng thấm nhập mọi lãnh vực đời sống xã hội và văn hóa.

26. H. Vì sao việc loan báo Tin Mừng liên kết mật thiết với việc phục vụ sự sống cũng như phát triển con người toàn diện?
T. Việc loan báo Tin Mừng liên kết mật thiết với việc phục vụ sự sống cũng như phát triển con người toàn diện vì không thể tách rời đức tin khỏi cuộc sống.

27. H. Theo HĐGMVN, đâu là phương thế cụ thể để thi hành sứ vụ duy nhất và toàn diện trên quê hương hiện nay?
T. Theo HĐGMVN, phương thế cụ thể để thi hành sứ vụ duy nhất và toàn diện trên quê hương hiện nay là tích cực cộng tác với mọi người thiện chí để bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống (s.32).

28. ĐTC Bênêđictô nhắn nhủ các tín hữu VN những gì trong hoàn cảnh hiện nay?
T. ĐTC Bênêđictô nhắn nhủ các tín hữu VN: “Bằng đời sống xây nền trên đức ái, sự liêm chính, việc quý trọng công ích, anh chị em phải chứng tỏ rằng là người Công giáo tốt cũng là người công dân tốt” (s.33).

29. H. Theo HĐGMVN, các tín hữu cần làm gì để thực hiện lời nhắn nhủ của ĐTC?T. Các tín hữu cần thấu triệt giáo huấn của GH về xã hội.

30. Tại sao các tín hữu cần thấu triệt giáo huấn của GH về xã hội?
T. Vì giáo huấn của GH về xã hội “soi sáng cho các tín hữu biết cách yêu mến quê hương, yêu thương mọi người không trừ ai, quan tâm phát triển nhân bản và văn hóa, xây dựng công bằng, tình liên đới, sự bình đẳng và tự do tôn giáo, qua nẻo đường hiền lành và khiêm nhường, bao dung và tha thứ” (s.33).

31. H. Các tín hữu chu toàn sứ vụ duy nhất và toàn diện của GH bằng cách nào?
T. Để chu toàn sứ vụ duy nhất và toàn diện của GH, cá nhân cũng như cộng đoàn tín hữu phải tham gia vào kế hoạch chung và nối kết hoạt động tông đồ với đời sống chiêm niệm (s.34-35).

32. H. Các tín hữu chu toàn sứ vụ duy nhất và toàn diện của GH với cung cách nào?
T. Các tín hữu chu toàn sứ vụ duy nhất và toàn diện của GH với sự can đảm và kiên trì loan báo chân lý Tin Mừng, khiêm tốn phục vụ, chân thành chia sẻ mọi nỗi niềm của con người, nhất là những người nghèo khổ.

33. H. Việc huấn luyện nhân sự, cách riêng chủng sinh và tu sĩ, cần quan tâm đến những vấn đề gì?
T. Việc huấn luyện nhân sự, cách riêng chủng sinh và tu sĩ, cần quan tâm đến “việc vun trồng đời sống nội tâm, nhấn mạnh đến chiều kích thiêng liêng” (s.13), “không chỉ là trau dồi kiến thức nhưng còn là hình thành một cung cách sống và phục vụ của sứ giả Tin Mừng” (s.36), “phải lưu tâm đến chiều kích đối thoại và hợp tác với các tôn giáo” (s.40).

34. H. Về giáo dục, các tín hữu cần phải quan tâm những gì?
T. Các tín hữu “hãy hết sức quan tâm đến giáo dục, hỗ trợ những học sinh nghèo, nâng cao trình độ học vấn của giới trẻ, dạy nghề cho giới trẻ miền quê, đồng hành với giới giáo chức Công giáo” (s.37).
35. H. Mục đích chính của giáo dục Công giáo là gì?
T. Mục đích chính của giáo dục Công giáo là giúp người thụ giáo lắng nghe Thiên Chúa và tìm ra được ơn gọi của mình trong kế hoạch của Ngài” (s.37).

36. H. Những người tha thiết với lãnh vực giáo dục cần quan tâm những gì?
T. Những người tha thiết với lãnh vực giáo dục cần quan tâm đến giáo dục đại chúng về lương tâm, những giá trị nhân bản và văn hóa đối thoại, dưới ánh sang Lời Chúa” (s.38).

37. H. GHVN cần đối thoại với những ai và đối thoại nhằm mục đích gì?
T. Cần đối thoại với các tôn giáo, với người nghèo, và với những anh chị em không tôn giáo, nhằm xây dựng sự hiểu biết lẫn nhau và phục vụ hạnh phúc đích thực của con người” (s.39).
38. H. Việc đối thoại với các tôn giáo đem lại cho GH những gì?
T. Việc đối thoại với các tôn giáo giúp GH xác tín hơn vào tác động của Chúa Thánh Thần, Đấng đang dẫn dắt mọi người tới Chân lý toàn vẹn, rộng mở hợp tác với các tôn giáo trong công cuộc lành mạnh hóa xã hội và thăng tiến con người, và là cơ hội để GH canh tân lòng tin của mình vào Đức Kitô (s.40).
39. H. Các tín hữu phải có thái độ nào đối với người nghèo?
T. Các tín hữu phải “khám phá nơi con người nhu cầu cần được yêu thương và tôn trọng chứ không phải chỉ là được ban phát của cải vật chất” (s.41)

40. H. Trong việc đối thoại với người nghèo, GH cần quan tâm đặc biệt đến những ai?
T. GH cần quan tâm đặc biệt đến “những dân tộc ít người là những anh chị em còn phải chịu thiệt thòi về kinh tế, xã hội cũng như văn hóa, các bệnh nhân, những người tàn tật, già yếu, neo đơn, mồ côi, những thiếu nữ lầm lỡ, và các tù nhân” (s.41).

41. H. Trong việc đối thoại với người nghèo, GH cần làm những gì?
T. GH cần “tìm cách thể hiện tình yêu thương phục vụ họ cách cụ thể, đồng hành với họ trong những khó khăn của đời sống, giúp họ nhận ra được niềm vui của đức tin khi được nên giống Đấng chịu đóng đinh và hoàn tất những gì còn thiếu trong cuộc khổ nạn của Người vì GH” (s.41).

42. H. GH đối thoại những gì với anh chị em không tôn giáo?
T. GH “nhìn nhận những nỗ lực và thiện chí của họ trong việc phục vụ công ích, ý thức trách nhiệm của mình trước hiện tượng dửng dưng, tục hóa, duy vật, và thẳng thắn trình bày quan điểm của GH trước các vấn đề nhân sinh; nếu cần, sẵn sang chấp nhận đau khổ để làm chứng cho chân lý Tin Mừng (s.42).
43. H. GH cần làm gì để tăng cường và canh tân mục vụ gia đình?
T. GH “cần hình thành một chương trình mục vụ tiền và hậu hôn nhân thống nhất và xuyên suốt, giúp gia đình thăng tiến đời sống cầu nguyện, tăng trưởng tình yêu hợp nhất và chung thủy, ươm mầm các ơn gọi, chung tay giáo dục con cái trong sự thánh thiện và bền vững trong ân sủng của bí tích hôn nhân” (s.43).

44. H. GHVN nhìn người trẻ như thế nào?
T. GHVN nhìn người trẻ không chỉ là tương lai nhưng còn là chính hiện tại của GH, không chỉ là đối tượng cần được chăm sóc nhưng còn là chủ thể, là sứ giả loan báo Tin Mừng, đặc biệt trong môi trường giới trẻ (s.44).

45. H. GHVN cần làm gì để đẩy mạnh hoạt động mục vụ-giáo dục giới trẻ?
T. GHVN cần đầu tư năng lực và thời giờ hơn nữa cho mục vụ-giáo dục người trẻ, cần nghiên cứu cách nghiêm túc về tình hình giới trẻ và tìm kiếm những phương thế đồng hành thiết thực với họ trong cuộc sống, đào tạo những linh hoạt viên giới trẻ có tinh thần truyền giáo và biết làm việc tập thể (s.44).

46. H. GH cần làm gì để phát triển nền mục vụ thích hợp cho người di dân trong nước?
T. GH cần tăng cường sự hợp tác giữa giáo phận gốc của họ với các giáo phận họ đến, soạn thảo một cẩm nang chung về mục vụ di dân, cách riêng trong lãnh vực hôn nhân và dự tòng, tạo điều kiện và thúc đẩy họ tham gia vào đời sống và sinh hoạt của cộng đoàn tín hữu địa phương (s.45).

47. H. Các tín hữu cần ý thức thế nào về việc bảo vệ môi sinh?
T. Các tín hữu cần ý thức “bảo vệ môi sinh là một bổn phận luân lý vì liên hệ đến sự sống và phẩm giá của hằng triệu người, trong hiện tại cũng như tương lai (s.46).

48. H. Các mục tử nên làm gì để giúp các tín hữu bảo vệ môi sinh?
T. Các mục tử nên tổ chức những kháo học về môi sinh cùng với những hướng dẫn cụ thể trong việc gìn giữa và bảo vệ môi trường sống của người dân địa phương (s.46).

49. H. GHVN ý thức thế nào về vai trò và tầm quan trọng của các phương tiện truyền thông?
T. GHVN ý thức rằng phương tiện truyền thông là tặng phẩm Chúa ban cho GH để loan báo tin Mừng cách rộng rãi và nhanh chóng, nhưng chúng có thể bị lạm dụng, tạo ra chia rẽ, hận thù và phóng túng, gieo rắc lối sống nghịch lại nền văn minh tình thương và sự sống (s.47).

50. H. GHVN khuyến khích những người tha thiết với lãnh vực truyền thông điều gì?
T. GHVN khuyến khích những người tha thiết với lãnh vực truyền thông cùng nhau kiến tạo nền văn minh của tình hợp nhất, tình liên đới và tương trợ trong GH và xã hội, bằng cách phổ biến những giá trị Tin Mừng và nhân bản qua các phương tiện truyền thông (s. 47).

KẾT LUẬN

51. H. HĐGMVN kết thúc thư chung với những tâm tình và ước vọng nào?
T. HĐGMVN kết thúc thư chung với tâm tình biết ơn về sự cộng tác nhiệt thành cũng như góp ý chân thành của mọi thành phần trong Dân Chúa, cùng với ước vọng thư chung sẽ được triển khai thành những hành động và việc làm cụ thể trong đời sống đức tin, để GH có thể thi hành sứ mệnh loan báo Tin Mừng trong xã hội hôm nay cách thiết thực và hiệu quả.

52. H. HĐGMVN trao gửi những tâm tư ước vọng và mọi dự dịnh mục vụ cho những ai?
T. HĐGMVN trao gửi những tâm tư ước vọng cho Các Thánh Tử Đạo Việt Nam và mọi dự dịnh mục vụ cho Đức Mẹ La Vang.

53. H. Cùng với Đức Mẹ, Dân Chúa VN sẽ làm gì trong thời gian tới?
T. Cùng với Đức Mẹ, Dân Chúa VN “hăng hái lên đường thi hành sứ mệnh loan báo Tin Mừng, góp phần tích cực vào việc xây dựng nền văn hóa sự sống và văn minh tình thương trên quê hương đất nước chúng ta” (s.48).

CÂU HỎI TÌM HIỂU VÀ GÓP Ý CHO CÔNG NGHỊ GIÁO PHẬN
  1. H. Ý nghĩa và mục đích của Công nghị Giáo phận là gì?
T. Công nghị giáo phận là cơ hội để mọi thành phần trong gia đình giáo phận tham gia vào công cuộc đổi mới theo lời kêu gọi của Đại Hội Dân Chúa năm 2010, bằng cách “ý thức vượt qua khung nếp khép kín do hoàn cảnh xưa nay tạo ra, mở rộng sự hiệp thông trong GH, hòa nhập vào đời sống văn hóa xã hội, hướng đến chu toàn sứ vụ loan báo Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô, vì sự sống mới của gia đình nhân loại cùng đất nước hôm nay”. Công Nghị được tổ chức nhằm “đưa tinh thần và nội dung của Thư Chung 2011 vào trong mọi lãnh vực của đời sống và sinh hoạt của giáo phận trong những năm tới” (x. Thư Chủ Chăn 6/2011).

2. H. Công nghị giáo phận sẽ diễn ra vào thời gian nào, ở đâu và gồm các thành phần nào?
T. Công nghị sẽ diễn ra và các buổi sáng thứ Hai 21 đến thứ Sáu 25 tháng 11 năm 2011, tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận, và gồm đại biểu của mọi thành phần trong gia đình giáo phận.

3. H. Mọi thành phần trong gia đình giáo phận đóng góp những gì cho Công nghị Giáo phận?
T. Trước hết mọi thành phần trong gia đình giáo phận phải chuyên cần cầu nguyện xin Chúa Thánh Thần ban cho cộng đồng Dân Chúa ơn soi sáng và khôn ngoan, ơn sức mạnh và ơn đổi mới; kế đến, tích cực tham gia học hỏi Thư Chung và đóng góp ý kiến cho Công Nghị; cuối cùng, tích cực tham gia Công nghị và công cuộc đổi mới được gợi hứng từ Công Nghị này.

4. H. Tinh thần và nội dung chính của Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa năm 2010 là gì?
T. Sau khi nhận diện và nhận định các thực tại xã hội dưới ánh sáng Tin Mừng, nhất là khám phá lại huyền nhiệm của mình như là công trình của tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi, HĐGMVN xác định phương thế cụ thể để thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng trên quê hương hiện nay là tích cực cộng tác với mọi người thiện chí để bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống (s.32).

5. H. Các lãnh vực của đời sống là những lãnh vực nào?
T. Các lãnh vực của cuộc sống bao gồm kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa, giáo dục và tôn giáo.

6. H. Các sinh hoạt của giáo phận là những sinh hoạt nào?
T. Các sinh hoạt của giáo phận gồm các hoạt động mục vụ (các ban mục vụ) và hoạt động tông đồ giáo dân (các giới và các đoàn thể).

7. H. Làm thế nào để đem đưa tinh thần và nội dung của Thư Chung 2011 vào trong mọi lãnh vực của đời sống và sinh hoạt của giáo phận trong những năm tới?
T. Mọi thành phần trong gia đình giáo phận, cá nhân cũng như cộng đoàn, phải tự vấn và trao đổi với nhau xem:

(1) Thư Chung nhận định như thế nào về hoàn cảnh kinh tế, xã hội, văn hóa và tôn giáo hiện nay? Chúng tác động và tác hại trên đời sống đức tin và luân lý của người tín hữu như thế nào? Đâu là những thách đố và cơ hội chúng mở ra cho đời sống và sứ vụ của Giáo Hội? Trong hoàn cảnh ấy, Giáo Hội cần phải làm gì?

(2) Khi trình bày GH như gia đình của Thiên Chúa và kêu gọi các mục tử xây dựng những kế hoạch mục vụ trên nền tảng thần học này, Thư Chung muốn nhấn mạnh điều gì?

(3) Cần phải làm gì để vun trồng đời sống nội tâm và nhấn mạnh chiều kích thiêng liêng trong mọi chương trình huấn luyện cũng như hoạt động mục vụ? Các tín hữu cần phải làm gì để vượt qua lối sống đạo thiên về tình cảm và vụ hình thức bên ngoài, vượt qua quan niệm và lối sống phân cách giữa đức tin và cuộc sống hàng ngày?

(4) Cần phải làm gì để xây dựng sự hiệp thông giữa các tín hữu và phát huy sự tham gia của các tín hữu vào đời sống và sứ vụ của GH? Mọi thành phần trong gia đình giáo phận, linh mục, tu sĩ và giáo dân,cần phải làm gì?

(5) Sau khi nhận định các thực tại xã hội dưới ánh sáng Tin Mừng và khám phá lại huyền nhiệm của mình như là công trình của tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi, HĐGMVN xác định phương thế nào để thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng trên quê hương hiện nay? Để bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống, các tín hữu cần phải làm gì? Tại sao phải thấu triệt giáo huấn của GH về xã hội, phải đối thoại với người nghèo, với các tôn giáo cũng như với anh chị em không tôn giáo?

(6) Thư Chung nói gì về đời sống và sứ vụ của các linh mục và tu sĩ, đặc biệt trong việc mở rộng sự hiệp thông và tham gia trong Giáo Hội?
(7) Thư Chung hướng dẫn thế nào về các hoạt động mục vụ như phụng vụ, giáo lý,truyền giáo,ơn gọi, giáo dục, truyền thông, công lý và hòa bình, bác ái xã hội, đối thoại liên tôn, gia đình, giới trẻ, thiếu nhi, di dân vv… Và làm thế nào để thực thi những hướng dẫn ấy trong hoàn cảnh hiện tại? Những khó khăn và chướng ngại nào gặp phải, những nỗ lực và sáng kiến nào cần có để vượt qua? 

************