Trang

Thứ Hai, 28 tháng 11, 2011

Suy Niệm thứ ba tuần 1 mv

29/11/11  Lc 10,21-24

sống trong niềm vui

“Phúc thay mắt nào được thấy điều anh em thấy! Thầy nói cho anh em biết: nhiều ngôn sứ và nhiều vua chúa đã muốn thấy điều anh em thấy mà không được thấy.” (Lc 10,23-24)

Suy niệm: Ngạn ngữ Trung Quốc nói: “Tôi buồn vì không có tiền mua giày, cho đến ngày tôi gặp người cụt chân.” Trong khóa tĩnh tâm, một người khiếm thị nọ chia sẻ: “Tôi buồn vì không thấy những gì tôi ăn, đang khi ấy có bao người chết đói vì không có gì để ăn,” và anh cho biết suy nghĩ đó đã biến đổi hẳn đời anh. Đức Giêsu trong Tin Mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta đang được sống trong hạnh phúc mà không biết, hạnh phúc vì được thấy nhiều điều kỳ diệu: cảm thấy được Thiên Chúa đang hiện diện và ban muôn hồng ân cho mình trong cuộc đời, nhận thấy Đức Giêsu nơi người anh chị em chung quanh, nhìn thấy cuộc đời mình có ý nghĩa thế nào, và kết cuộc, đi về đâu. Khám phá hạnh phúc ấy phải làm thay đổi hẳn cuộc đời chúng ta.

Mời Bạn: Nhìn lại những gì xảy đến cho mình với ý hướng tích cực để nhận ra hạnh phúc, niềm vui mình đang được hưởng để rồi luôn biết sống tâm tình tạ ơn Thiên Chúa trong suốt cuộc đời.

Sống Lời Chúa: Để sống tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, ngay từ lúc khởi đầu ngày sống, tôi có một tư tưởng tích cực: nghĩ điều tốt, làm điều tốt cho một người, tha thứ cho một kẻ xúc phạm…

Cầu nguyện: Lạy Cha từ ái, cảm tạ Cha đã ban cho chúng con ơn nhận biết và tin vào Đức Giêsu Con Cha, và được lớn lên trong lòng Hội Thánh. Cha đã cho chúng con trí tuệ và quả tim để góp phần xây dựng một thế giới ấm no và chan chứa tình người. Ước gì sau một đời yêu thương và phục vụ, chúng con lại được cùng sống bên Cha. Amen.

Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2011

BCH GĐPTTTCG HẠT THỦ ĐỨC tuyên hứa

TIN SINH HOẠT GĐPTTTCG HẠT THỦ ĐỨC

Lúc 17h30 thứ Sáu ngày 25/11/2011; GĐPTTTCG Hạt Thủ Đức (TĐ) phối hợp với BCH GĐPTTTCG xứ đoàn Xuân Hiệp tổ chức cuộc cung nghinh Chúa Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ, Thánh lễ trọng thể do cha TLH Vinh Sơn Nguyễn Văn Hồng chủ tế, cha LH GĐPTTTCG Hạt Thủ Đức  và qúy cha dòng Donbosco đồng tế. Tham dự thánh lễ hôm nay gồm có các đoàn viên X/đ Xuân Hiệp, BCH các xứ đoàn trong Hạt TĐ, ngoài ra còn có sự hiện diện của đại diện BCH GP Saigon.  
Sau bài giảng cha LH GĐPTTTCG Hạt chủ sự nghi thức tuyên hứa gia nhập của 19 tân đoàn viên của X/đ Xuân Hiệp, kế tiếp tới phần tuyên hứa của tân BCH Hạt TĐ (NK 2011-2014). Đồng thời trao Vi Bằng cho các vị BCH mãn nhiệm kỳ.

SLIDESHOW

BCH GĐPTTTCG GP họp thường kỳ tháng 11/2011

Lúc 8h30 BCH GĐPTTTCG GP tổ chức buổi họp thường kỳ tháng 11/2011 tại phòng hội G/x Bình Đông Hạt Bình An (BA). Thành phần tham dự gồm có cha TLH Vinh Sơn Nguyễn Văn Hồng, cha Giuse Nguyễn Quốc Thắng, chánh xứ Bình Đông kiêm LH xứ đoàn, LH GĐPTTT Hạt BA, Thường vụ BCH GP và BCH các Hạt cùng các U/v chuyên trách. [............]
Đọc thêm clink: http://gdpttt.org/?p=985



CHÚA NHẬT TUẦN I MV - B

27/11/11 Mc 13,33-37

tỉnh thức-sẵn sàng

“Anh em phải tỉnh thức, vì không biết khi nào thời ấy đến.” (Mc 13,33)

Suy niệm: Năm Phụng Vụ mới khởi đầu bằng mùa Vọng. Trong mùa này, người tín hữu vừa chuẩn bị tâm hồn mừng kỷ niệm Chúa giáng sinh, vừa chờ mong Chúa trở lại lần thứ hai trong vinh quang. Giữa hai lần này, Chúa còn đến một lần nữa với mỗi người vào giờ chết của mỗi người. Cả ba lần Chúa đến đều có chung một đặc điểm, đó là bất ngờ, không ai biết đích xác lúc nào, “chập tối, nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng”. Để đón Chúa đến, cần phải tỉnh thức và sẵn sàng, để “khi chủ vừa gõ cửa thì mở ngay”, chứ không để bị kể tội vì “bắt gặp đang ngủ”. Tỉnh thức không có nghĩa là mở mắt thao láo, không ăn không ngủ, không làm gì..., mà là luôn ở trong tình trạng ân sủng, sạch tội, để khi Chúa đến, ta sẵn sàng bước vào cuộc sống đời đời với Chúa.

Mời Bạn: Chắc bạn còn nhớ hai biến cố làm rúng động toàn thế giới, là cuộc khủng bố ngày 11/9/2001 tại Mỹ và cơn sóng thần tại Nhật Bản hồi đầu tháng 3 năm nay. Đối với những người trong cuộc, đó là lần Chúa đến với họ. Có bao nhiêu người đã tỉnh thức và sẵn sàng lúc ấy? Có bao nhiêu người biết ngày hôm nay họ sẽ đi và không trở lại nữa? Bài học này mời gọi bạn tự vấn: “Nếu tôi ở trong hoàn cảnh đó, liệu tôi có sẵn sàng và tỉnh thức để không bị bỏ lại?”

Sống Lời Chúa: Hãy sống như thể hôm nay là ngày cuối cùng của đời tôi, chắc chắn tôi sẽ sống một ngày đầy ý nghĩa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con khởi đầu mùa Vọng này trong tinh thần thánh thiện và vui tươi, chờ mong Chúa đến. Xin giúp chúng con luôn sẵn sàng và cầu nguyện, để khi Chúa đến, Chúa gặp chúng con đang cầm đèn sáng đón chờ. Amen.

Thứ Năm, 24 tháng 11, 2011

SUY NIỆM - 25/11/11 thứ sáu tuần 34 tn

Th. Catarina Alêxandria, trinh nữ, tử đạo
Lc 21,29-33

đón chúa là điều cốt yếu

“Thầy bảo thật anh em: thế hệ này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra. Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu.” (Lc 21,32-33)

Suy niệm: Thế giới hôm nay tự hào về kiến thức, thông tin, đến nỗi có cả “xa lộ thông tin” internet. Nhưng, như Đức Bênêđíctô XVI nhận định, chúng ta có quá nhiều kiến thức nên không tìm thấy minh triết nữa, không nhìn ra cái cốt yếu trong cuộc sống nữa. Điều cốt yếu không phải là những điềm thiêng dấu lạ sẽ xảy đến xóa sổ trái đất này, mà là Chúa luôn đang đến, và chúng ta phải chuẩn bị cho Ngài trở lại viếng thăm, bằng việc chỉnh đốn đời sống mình thuận theo Lời Chúa. Đối với con người, trái đất này qua đi là một điều hãi hùng. Vì thế, đón Chúa đến sống bên cạnh trong giây phút hãi hùng ấy hay trong muôn điều hãi hùng khác là điều cốt yếu của đời người. Bấy giờ, mọi chuyển biến trên thế giới và trong cuộc đời sẽ được Kitô hữu đón nhận như là lời nhắc nhở đến điều cốt yếu phải đạt được, thay vì hốt hoảng, tuyệt vọng.

Mời Bạn: Trong những hoàn cảnh đen tối của cuộc đời, bạn đã đón Chúa đến can dự vào cuộc đời bạn như thế nào? Thái độ của bạn bấy giờ cũng nói lên phần nào thái độ của bạn trong ngày giờ sau hết Chúa đến với bạn.

Chia sẻ: Bạn chuẩn bị đón Chúa đến với tâm trạng nào? Sợ hãi hay hạnh phúc và bình an?

Sống Lời Chúa: Ít là mỗi ngày dành 5 phút để hun nóng lòng chờ đón Chúa đến, với tâm tình con thảo chờ mong.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa sẽ đến với chúng con như lời Chúa báo trước. Xin cho chúng con nhận ra sự thật này, nhưng với một lòng tin yêu và cấp bách thay đổi đời sống của chúng con như lòng Chúa mong ước. Amen.
---

Thứ Tư, 23 tháng 11, 2011

24/11/11 thứ năm tuần 34 tnCác Thánh Tử Đạo Việt Nam
Lc 9,23-26

mất và được

“Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.” (Lc 9,24)

Suy niệm: Cái quý nhất của con người trong cuộc đời là mạng sống. Vì thế, ai cũng muốn bảo tồn và làm phong phú sự sống của mình. Người ta tìm mọi cách làm sao cho đời sống của mình được tiện nghi, thoải mái, nhất là kéo dài sự sống. Nhưng đời người có hạn, người ta sống tới một lúc nào đó rồi sẽ chết. Sự sống đời này, dù muốn dù không, cũng sẽ mất đi; cái mình tìm kiếm và tích luỹ rồi sẽ không thuộc về mình nữa. Nếu chỉ sống cho mình thì chết là hết. Ngược lại, nếu ai sống cho Đức Giêsu và tin vào sự sống vĩnh cửu, họ sẽ chọn cách sống thế nào để sau khi mạng sống này qua đi, họ sẽ được sự sống mới thường tồn như Chúa hứa.

Mời Bạn: Giáo Hội đã tôn vinh 118 vị trong số 130.000 tín hữu tử đạo ở Việt Nam. Là con người, các ngài cũng quý trọng mạng sống mình. Thế nhưng, các ngài hơn chúng ta ở chỗ biết đánh giá và dám chọn lựa cái lớn lao, hy sinh cái nhỏ bé. Các ngài đã can trường chịu đánh mất mạng sống thể lý là điều ai cũng muốn duy trì, để đánh đổi lấy sự sống đời đời như Chúa hứa. Nay các ngài đang được ân thưởng trong sự sống hoan lạc viên mãn bên Chúa. Cái mất, cái được của các ngài là lời nhắc nhở chúng ta can đảm đánh đổi cái cỏn con để được cái lớn lao gấp bội.

Sống Lời Chúa: Năng nghĩ và hướng về đời sống vĩnh cửu để thêm lòng can đảm chấp nhận đau khổ ở đời này vì Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho con lòng kiên cường, dám đánh đổi những gì là nhỏ bé, tạm thời, để được Chúa là nguồn hạnh phúc vô tận.

TIN CÔNG GIÁO TỪ VATICAN

Thứ Ba, 22 tháng 11, 2011

Suy Niệm - 23/11/11 thứ tư

 tuần 34 tn -Th. Clêmentê I, giáo hoàng, tử đạo
Lc 21,12-19

bí quyết sống còn

“Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống của mình.” (Lc 21,19)

Suy niệm: Trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu cho chúng ta một bí quyết để tồn tại, để giữ được
mạng sống mình, đó là sự kiên trì. Kiên trì ở đây không chỉ là nỗ lực của ý chí, mà còn là biết vận dụng những ơn trợ lực Chúa ban cho. Ơn trợ lực ấy là giúp cho chúng ta “ăn nói thật khôn ngoan,” đảm bảo “không một sợi tóc nào trên đầu anh em bị mất.” Vì vậy, chúng ta sẽ không quá khiếp sợ trước bạo quyền. Không phải bạo quyền thế gian nắm giữ vận mạng chúng ta, nhưng là chính Chúa. Vì thế, nếu chúng ta biết đặt mình vào bàn tay quan phòng của Ngài, mạng sống chúng ta được gìn giữ bảo đảm. Các thánh tử đạo đã áp dụng những điều ấy để tồn tại và nêu gương cụ thể cho chúng ta.

Mời Bạn: Đi tìm một giải pháp hữu hiệu để sinh tồn trong cuộc đời dương thế đã là khó khăn, huống hồ cho cuộc sinh tồn vĩnh cửu! Chúa thương chúng ta, Ngài đã vạch ra ta con đường sống. Đó là con đường sống yêu mến Thiên Chúa và thương yêu đồng loại theo tinh thần Tám Mối Phúc Thật. Phần còn lại là do chúng ta có dám tin, có muốn vận dụng điều Chúa ban vào trong cuộc sống này hay không, nhất là trong những lúc gặp thử thách gian nan.

Chia sẻ: Trong đời sống hiện nay, điều gì đang làm cho bạn mất phương hướng và có nguy cơ dẫn đến việc đánh mất niềm tin? Tại sao?
{Ngày nay của cải thừa mứa, ăn rồi chán, chán rồi đi tìm các thứ mới lạ... thi đua để hưởng thụ... tạo ra cuộc rượt đuổi vô tận...} 

Sống Lời Chúa: Hãy luôn tâm niệm lời này của Thánh Inhaxiô nói với Thánh Phanxicô Xaviê: “Được lời lãi cả thế gian, mất linh hồn nào có ích gì!”

Cầu nguyện: Lạy Chúa Thánh Thần, xin cho con được ơn sáng suốt để biết chọn lựa điều Chúa muốn, và dấn thân theo đuổi cuộc sống muôn đời. Amen.

Thứ Hai, 21 tháng 11, 2011

Suy Niệm - 22/11/11 thứ ba

tuần 34 tnTh. Xêxilia, trinh nữ, tử đạo
Lc 21,5-11

mọi sự rồi sẽ qua đi

“Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào.” (Lc 21,6)


Thành trì bị sụp đổ

Suy niệm: Sử gia Do Thái Giosêphô đã tỉ mỉ mô tả vẻ huy hoàng tráng lệ của đền thờ Giêrusalem, đặc biệt khi ánh mặt trời chiếu vào những gốc nho bằng vàng khối cao bằng người thật. Người Do Thái tự hào nói rằng: “Ai chưa nhìn thấy Giêrusalem trong vẻ tráng lệ của nó thì không bao giờ có được niềm vui.” Thế nhưng, Đền thờ hùng vĩ ấy sẽ bị binh lính Rôma đốt cháy bình địa năm 70. Giêrusalem và bao công trình kiến trúc vĩ đại khác -niềm tự hào của con người- rồi cũng bị tàn phá theo thời gian, nhắc cho ta nhớ đến sự mong manh của sự vật trong thế giới, cũng như sự mỏng dòn, vắn vỏi của chính cuộc sống con người. Điều nghịch lý là không phải những thứ tưởng vững chắc như đá, xi măng, sắt thép sẽ bền vững, trái lại chỉ có tấm lòng nhân ái của con người mới tồn tại mãi qua thời gian.

Mời Bạn: Thế giới này đang qua đi; bao con người đã qua đi; mọi sự ở đời rồi cũng sẽ qua đi. Mong rằng sự thật này sẽ nhắc nhở bạn về tính tạm bợ, phù hoa của trần thế, để biết đầu tư mọi năng lực cho những giá trị bền vững: tin tưởng nơi Thiên Chúa, gắn bó theo chân Đức Giêsu và yêu thương đồng loại.

Sống Lời Chúa: Tôi sẽ tập nhìn mọi sự dưới cái nhìn của Lời Chúa: coi của cải vật chất như phương tiện để chia sẻ, người khác như anh chị em, chức tước như cơ hội để phục vụ nhau...

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa dạy chúng con biết rằng công trình kiến trúc, danh vọng, chức quyền, lời khen, của cải, tất cả rồi sẽ qua đi. Điều quan trọng tồn tại mãi là tình yêu Chúa dành cho chúng con và tình mến chúng con đáp lại tình Chúa. Amen.

Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2011

BCH GĐPTTTCG GP SAIGON TUYÊN HỨA NK: 2011-2017

Lúc 9h00 ngày 18-11-2011, GĐPTTTCG GP Saigon phối hợp với GĐPTTTCG Hạt Xóm Mới tổ chức cung nghinh Chúa Kitô Vua Vũ Trụ và lễ mừng Kính Chúa Giêsu Kitô Vua Muôn Vua, tại giáo xứ Thạch Đà Hạt Xóm Mới. Thánh lễ do cha Hạt Trưởng Đa Minh Đinh Ngọc Lễ chủ sự, cha TLH GĐPGTTCG Vinh Sơn Nguyễn Văn Hồng, cha Hạt Phó Gioan Bt.  Nguyễn Văn Luyến  kiêm Linh hướng GĐPTTT Hạt Xóm Mới, cha Gioan Bt. Nguyễn Xuân Đức chánh xứ Thạch Đà và quý cha đồng tế.
Sau kinh Tin Kính là nghi thức Tuyên Hứa cho tân BCH GP (NK 2011-1017) và BCH giáo Hạt Xóm Mới ( NK 2011-2014)



Thứ Năm, 17 tháng 11, 2011

Suy Niệm - 18/11/11 thứ sáu

tuần 33 tnCung hiến đền thờ thánh Phêrô và Phaolô
Lc 19,45-48

cảm thấy đau lòng

Người đã nói với họ: “Đã có lời chép: Nhà của Ta sẽ là nhà cầu nguyện, các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp.” (Lc 19,46)

Đền Thờ Jêrusalem
Suy niệm: “Trải qua một cuộc bể dâu,…” nhìn thấy nhiều nhà thờ bị chiếm dụng làm cửa hàng, kho hàng, thậm chí trở thành khách sạn, vũ trường… người tín hữu đã phải xót xa mà “đau đớn lòng.” Cũng vậy, khi thấy những kẻ buôn bán, đổi chác trong đền thờ, Chúa Giêsu cảm thấy đau lòng và đã phải nổi giận, nặng lời với họ, cho dù có vì thế Ngài bị thù ghét và mưu toan hãm hại. Khi lãnh nhận bí tích rửa tội, mỗi người chúng ta trở thành đền thờ Thiên Chúa. Thế mà, chúng ta cứ thản nhiên khi phạm tội, làm nhơ uế đền thờ thiêng liêng của Người! Thế mà chúng ta cũng chẳng hề lo lắng, mau mắn thanh tẩy đền thờ tâm hồn ấy bằng bí tích hòa giải!

Mời Bạn: Gìn giữ, chăm sóc và quan tâm đến thực trạng linh hồn mình như bổn phận thường xuyên của người tín hữu, nhất là mỗi khi tham dự thánh lễ, rước Mình Máu Thánh Chúa. Sự trong sạch của tâm hồn là điều kiện cần thiết để xứng đáng trở thành nơi Chúa ngự.

Chia sẻ: Có bao giờ bạn hiểu rằng tâm hồn bạn cũng là đền thờ của Chúa Thánh Thần, để bạn thanh tẩy và gìn giữ mỗi ngày, hầu xứng đáng là nơi thờ phượng Thiên Chúa chưa?

Sống Lời Chúa: Tôi sẽ loại trừ một tật xấu với ý thức thanh tẩy và gìn giữ đền thờ thiêng liêng của Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin làm cho cánh cửa này đủ rộng để có thể đón tiếp những người nào cần đến tình thương của đồng loại, anh em, nhưng cũng đủ hẹp để có thể ngăn chận mọi kiêu căng, ganh tị, bất hoà. Xin làm cho nhà này là nhà cầu nguyện và là cổng dẫn vào Nước Chúa. Amen.
(Theo Flor McCarthy)

ĐỨC MẸ . TV

Thứ Tư, 16 tháng 11, 2011

Thánh Công Ðồng

Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II

Bản dịch Việt Ngữ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

Suy Niệm - 17/11/11 thứ năm

tuần 33 tnTh. Êlisabét Hungari
Lc 19,41-44

sứ điệp bình an

“Phải chi ngày hôm nay ngươi nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi!” (Lc 19,42)
 
Suy niệm: Những ngày cuối năm phụng vụ, Lời Chúa luôn đề cập đến tai hoạ và bình an. Tai hoạ sẽ trở thành an bình khi con người thực hiện những cái “phải chi!” Có những cái phải chi đem đến khổ đau và hối hận, kiểu như phải chi “ngày ấy mình đừng quen nhau, thì ngày nay có đâu buồn đau!” Nhưng cũng không thiếu những cái phải chi mang lại an bình, đó là phải chi ngày hôm nay mỗi người nhận ra những gì đem lại hạnh phúc và bình an. Cũng như phải chi trong những ngày ấy, người Do Thái nhận ra Đức Giêsu hiện diện giữa họ để đem niềm vui và an bình, phải chi họ vâng nghe theo lời giảng dạy của Ngài, họ đâu phải chịu cảnh lưu đày sau khi đền thờ bị phá hủy năm 70.

Mời Bạn: Ai cũng được Chúa ban cho những cơ hội thuận tiện để ăn năn sám hối. Người khôn ngoan biết học những bài học của lịch sử, biết chắt lọc những kinh nghiệm của bản thân, cũng như vâng nghe theo Lời Chúa, sẽ tìm được bình an và hạnh phúc. Người nhắm mắt bịt tai sẽ hối hận nhiều về sau. Đừng để bất cứ một cơ hội nào Lời Chúa kêu gọi bạn sám hối vuột khỏi tầm tay của bạn.

Chia sẻ: Hãy chia sẻ cho người thân một kinh nghiệm mà cho đến bây giờ còn làm bạn hối tiếc vì đã bỏ lỡ.

Sống Lời Chúa: Hãy tâm niệm lời này: “Ngày hôm nay ước gì anh em nghe Lời Chúa phán, chớ cứng đầu cứng cổ với Ta” (Tv 94,8).

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết nhận ra ý Chúa của ngày “hôm nay” để con làm theo, vì thời giờ mỗi ngày mỗi thu hẹp lại. Con có thể có tiền để mua đồng hồ, nhưng không mua được thời gian. (Theo tục ngữ Hà Lan)

Thứ Ba, 15 tháng 11, 2011

Suy Niệm - 16/11/11 thứ tư

 tuần 33 tnTh. Magarita ScốtlenLc 19,11-28

sinh lợi nén bạc chúa trao

“Hãy lo làm ăn sinh lợi cho tới khi tôi đến.” (Lc 19,13 )

Suy niệm: Hai lý do để Đức Giêsu kể dụ ngôn này: “vì Người đang ở gần Giêrusalem” và vì dân chúng “tưởng là Triều Đại Thiên Chúa sắp xuất hiện đến nơi rồi.” Các tôi tớ của nhà quý tộc được ủy thác hai công việc phải làm, đó là nhận yến bạc và sinh lợi. Hai động tác cho thấy bản chất con người của họ là đầu tư để sinh lợi hay cất giữ để hoàn trả nguyên vốn. Tương tự, ai cũng được Thiên Chúa tin tưởng giao phó cho một số yến bạc như chức vụ, tài năng, sức khỏe, tài sản, kiến thức chuyên môn... Người đầu tư để sinh lợi là người biết dùng chúng để làm chứng cho Tin Mừng Nước Trời theo hoàn cảnh, khả năng riêng của mình. Người bọc khăn giữ kỹ yến bạc là người sử dụng chúng hoàn toàn cho lợi ích bản thân. Một điều tất yếu là tất cả mọi người đều phải “tính sổ” khi Đức Kitô trở lại.

Mời Bạn: Sinh lợi cho Nước Trời hay sinh lợi cho riêng bản thân là vấn đề sinh tử của mỗi người. Được ban cho nhiều khả năng hay ít, đó không phải là yếu tố quyết định cho hạnh phúc muôn đời, nhưng là tấm lòng của bạn. Thiên Chúa không nhìn cái bạn cầm trong tay, nhưng nhìn điều bạn có nơi trái tim.

Chia sẻ: Tôi có thể và phải làm gì để yến bạc Chúa giao được sinh lợi trong bổn phận của mình?

Sống Lời Chúa: Sử dụng và thi hành những ân ban và trách nhiệm Chúa trao cách trung thành theo ý Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con cảm ơn Chúa đã tin tưởng giao phó cho con những bổn phận trong đời sống làm người và làm con Chúa. Xin giúp con thi hành với tất cả tình mến, sự sáng tạo, tự do và trách nhiệm để tôn vinh và phụng sự Chúa. Amen.

Thứ Hai, 14 tháng 11, 2011

Suy Niệm 15/11/11 thứ ba

 tuần 33 tnTh. Anbetô Cả, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh
Lc 19,1-10

cứu những gì đã mất

“Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.” (Lc 19,10)

Suy niệm: Ngày 13 tháng 10 vừa qua, bé Duyệt Duyệt, hai tuổi, bị hai chiếc xe cán tại Phật Sơn (Trung Quốc). 18 người đi ngang qua thấy em bỏ đi. Người dừng lại để kêu cứu và đưa em vào bên đường là một bà già nghèo làm nghề nhặt rác. Báo chí gọi đây là sự “vô cảm tàn nhẫn.” Người Do Thái xếp những người thu thuế như Giakêu vào hạng người tội lỗi, rác rưởi trong xã hội. Nhưng trong khi dân chúng nhốn nháo tìm Chúa, thì Chúa lại tìm đến với một người bị coi là ‘đồ bỏ’. Ngài thân hành đến trọ tại nhà ông và ban cho ông được ơn hoán cải. Ngài tuyên bố, Gia-kêu cũng là ‘con cái Abraham’ và sứ mệnh của Ngài là “tìm và cứu những gì đã mất.”

Mời Bạn: Cuộc sống vội vã, tất bật, chúng ta dễ gạt qua một bên những ai mà vì thành kiến bị liệt vào loại bỏ đi, hoàn toàn thất vọng về họ, không còn kiên nhẫn để đồng hành với họ.

Chia sẻ: Sống gần bên những người nghèo khổ, những gia đình rối, khô khan nguội lạnh, những trẻ em thất học, nhiễm HIV/AIDS, người nghiệp ngập say xỉn, những gia đình ở bên bờ vực thẳm đổ vỡ, chúng ta có vô cảm làm ngơ hay chúng ta đã làm gì để “tìm đến và cứu” những người đó?

Sống Lời Chúa: Chọn một trường hợp “bị bỏ rơi” để chăm sóc cách đặc biệt.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin biến đổi con. Ước chi mọi người thấy nét mặt tươi tắn của Chúa trong nụ cười của con, thấy sự dịu dàng của Chúa trong lời nói của con. Thế giới hôm nay không cần những Kitô hữu có bộ mặt chán nản và thất vọng. Xin cho con biết nhẫn nại và can đảm cùng đi với Chúa và với tha nhân trên những nẻo đường gập ghềnh. (Thắp Sáng Niềm Tin, tr. 140-141).

Chủ Nhật, 13 tháng 11, 2011

Suy Niệm - 14/11/11 thứ hai

 tuần 33 tnLc 18,35-43

hồng ân sự sáng

Anh mù kêu lên rằng: “Lạy ông Giêsu con vua Đavít, xin thương xót tôi!” Những người đi trước mắng bảo anh nín đi, nhưng anh lại càng kêu lớn tiếng hơn: “Lạy con vua Đavít, xin thương xót tôi.” (Lc 18,38-40)


Suy niệm: Bị mù bẩm sinh, chắc chắn người thanh niên trong câu chuyện trên không thể biết được Chúa Giêsu là ai, dung mạo ra sao, có tài năng gì… ngoại trừ dựa vào lời kể của những người xung quanh. Thế nhưng, khi hay tin có Chúa Giêsu đi ngang qua, anh lập tức khẩn thiết kêu xin Chúa chữa bệnh cho mình, bất chấp sự cản trở của đám đông. “Lạy con vua Đavít…” Anh kêu lên như đã biết tường tận Chúa Giêsu từ lâu. Đôi mắt thể xác có bị mù loà đôi mắt nhưng anh đã để cho Chúa là nguồn ánh sáng, khai mở đôi mắt tâm linh để anh nhận ra sự hiện diện của Chúa ở giữa nhân loại; điều mà nhiều người đồng thời với anh, có đủ hai mắt, đã không nhận ra, lại còn cản trở anh đến với Chúa!

Mời Bạn: Đôi mắt là quà tặng của Thiên Chúa dành cho con người. Nó giúp chúng ta nhìn thấy những công trình kỳ diệu của Thiên Chúa trong vũ trụ này và trân trọng chúng. Nhưng đôi mắt tâm hồn mới thật là cần thiết để chúng ta nhận ra sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời mình. Hãy để cho Chúa mở mắt tâm hồn bạn và hướng cái nhìn của bạn về những giá trị vĩnh cửu.

Chia sẻ: Có khi nào bạn từ chối để cho Chúa mở mắt tâm hồn mình? Trong hoàn cảnh nào?

Sống Lời Chúa: Tập nhận ra sự hiện diện của Chúa nơi người xung quanh.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu là Ánh Sáng trần gian, xin mở sáng đôi mắt tâm hồn còn u tối của con, để con nhận ra Chúa là tình yêu luôn ở bên cạnh con trong cuộc đời.  Amen.

Thứ Bảy, 12 tháng 11, 2011

Ban Tuyên Huấn họp góp ý Công Nghị GP

GĐPTTT TGP Saigon
HỌP BAN TUYÊN HUẤN
(Thường kỳ tháng 11/2011)

TRIỂN KHAI: 
HỌC TẬP - HỘI THẢO & GÓP Ý CÔNG NGHỊ GP

Ban Tuyên Huấn GĐPTTT TGP Saigon cùng với BCH GP đã tổ chức buổi họp thường kỳ tháng 11/2011. Tập trung triển khai chủ đề : Học hỏi Thư Chung của HĐGMVN sau Đâi Hội Dân Chúa 2010.

·         Khai mạc lúc 8g30 ngày 10/11/2011
·         Địa điểm họp : tại Hội trường Giáo xứ Bùi Phát
·         Nội dung buồi họp: Học hỏi – thảo luận – góp ý Công nghị của GĐPTTT CHÚA GIÊSU TGP saigon
-          Thành phần tham dự buổi họp gồm : BCH GĐPTTTCGS giáo phận :
§  Anh Giuse Huỳnh Bá Song               Trưởng BCH GĐPTTTCGS Tổng Giáo phận SG
§  Anh Giuse Phạm Minh Lý                 Phó BCH GĐPTTTCGS Tổng Giáo phận SG
§  Anh Giuse Bùi Văn Luận                  Tổng Thư Ký BCH GĐPTTTCGS Tổng Giáo phận SG
§  Anh Luca Trần Văn Tài                     Thư Ký 2 BCH GĐPTTTCGS Tổng Giáo phận SG
-          Ban Tuyên Huấn:     
§  Anh  Đaminh Phan Văn Hùng Trưởng Ban Tuyên Huấn
§  Cùng các Ủy viên trong Ban Tuyên Huấn GĐPTTTCGS các Hạt

PHẦN I :  Đọc kinh Khai mạc  và suy niệm Lời Chúa, giới thiệu thành viên
-          Ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đóng góp ý kiến cho Công nghị sắp đến.
-          Tổng quát về Thư Chung của HĐGMVN

PHẦN II  : Thảo luận góp ý Công nghị Giáo phận

Anh  Đaminh Phan Văn Hùng Trưởng Ban Tuyên Huấn triển khai về Trọng tâm góp ý cho Công nghị Giáo phận. MẦU NHIỆM – HIỆP THÔNG – SỨ VỤ
Công nghị giáo phận là cơ hội để mọi thành phần trong gia đình giáo phận tham gia vào công cuộc đổi mới theo lời kêu gọi của Đại Hội Dân Chúa 2010, bằng cách đưa tinh thần và nội dung của Thư Chung hậu Đại Hội 2010 vào trong mọi lãnh vực của đời sống và sinh hoạt của giáo phận trong những năm tới”. Nhờ đó, mọi người “ý thức vượt qua khung nếp khép kín do hoàn cảnh xưa nay tạo ra, mở rộng sự hiệp thông trong GH, hòa nhập vào đời sống văn hóa xã hội, hướng đến chu toàn sứ vụ loan báo Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô, vì sự sống mới của gia đình nhân loại cùng đất nước hôm nay” (Trích Lời Chủ Chăn tháng 6/2011).
Anh Tr. BCH GP nêu lên ý nghĩa và tầm quan trọng của Công Nghị GP
Tr. BTH lược qua các chủ đề trọng tâm Thư Chung của  HĐGMVN

Các Đại biểu của Đoàn thể GĐPTTTCG  tích cực tham gia
 đóng góp ý kiến vào bản Kiến Nghị gởi đến Công Nghị GP 

Phần thảo luận góp ý theo chủ đề: MẦU NHIỆM – HIỆP THÔNG – SỨ VỤ

·        Các Thành viên  BCH Giáo phận và Ban Tuyên Huấn đóng góp ý kiến :
Ban thư ký tổng hợp lại 10 điểm kiến nghị của các thành viên như sau :

1.      Linh mục quản xứ nên tổ chức các khóa hướng dẫn cho giáo dân cách “đọc” Kinh Thánh, “suy niệm” và “cầu nguyện” với Kinh Thánh hằng ngày.
2.      G/x kết hợp với gia đình quan tâm hơn đến giáo dục giới trẻ dựa trên nền tảng về giáo lý (giáo lý căn bản)
3.      Bài giảng Chúa Nhật, cha chủ sự nên tập trung giải thích Kinh Thánh, cụ thể nên đi vào trọng tâm bài phúc âm (giải thích Lời Chúa cho cộng đoàn giáo dân làm thế nào để áp dụng thiết thực vào đời sống, tránh nói cao siêu khó hiểu…).
4.      Việc sinh hoạt của các Hội đoàn trong G/x, là những hoạt động tông đồ giáo dân thiết thực, cần phải được Cha chánh xứ (linh hướng) quan tâm đẩy mạnh hơn để giáo dân có cơ hội hiệp thông tham gia vào việc xây dựng giáo hội.
5.      Cần có kế hoạch tổ chức chung từ  GP đến G/x, phát động các chương trình giờ kinh trong gia đình thường xuyên để giới trẻ tiếp thu nếp sống đạo căn bản.
6.      Trong quan hệ giao tiếp hằng ngày, nên chọn một danh xưng mới thích hợp hơn giữa linh mục và giáo dân, để làm thế nào phân biệt cha phần linh hồn và cha phần đời, tránh khập khiễng và nhầm lẫn vì cha thì trẻ, con thì già gây phản cảm đối với xã hội.
7.      Tạo điều kiện cho giáo dân tham gia các hội đoàn (ở mọi cấp). Nâng cao kiến thức cho giáo dân bằng những chương trình học hỏi, tổ chức huấn luyện từ cấp giáo phận đến giáo xứ.
8.      Linh mục, Hội đồng mục vụ nên có sự liên kết trong giáo dân và lắng nghe những ý kiến đóng góp có giá trị từ giáo dân.
9.      Do biến chuyển của nền kinh tế, người giáo dân phải rời bỏ quê hương xứ sở tìm việc sinh sống, các G/x nên có ban tư vấn để giúp họ hòa nhập cộng đoàn, tạo dịp cho các bạn trẻ sống đạo tốt hơn trước những cạm bẫy nguy hiểm của xã hội.
10.  G/x nên phát huy vai trò truyền thông trong giáo xứ, cập nhật thông tin bổ ích hằng ngày bằng phương tiện truyền thông hiện đại (Internet).

TK BTH
Luca Trần Văn Tài