Trang

Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2011

SỔ TAY ĐOÀN VIÊN

Trọng tâm của Công Nghị TGP.TPHCM (11/2011)

T6, 23/09/2011 - 09:32
WGPSG -- Ban Thư ký của Công nghị TGP.TPHCM xin phổ biến một đôi nét rất cần thiết về "Trọng tâm của Công nghị". Dựa vào trọng tâm này, các tổ chức có thể định hướng đúng mức các cuộc hội thảo và học hỏi, nhằm đóng góp tích cực và hữu hiệu cho Công nghị TGP.TPHCM sẽ được tổ chức vào tháng 11 năm 2011.
CANH TÂN - ĐỔI MỚI: TRỌNG TÂM CỦA CÔNG NGHỊ TGP.TP.HCM (THÁNG 11/2011)
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã kết thúc Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010 với “ước mong mỗi giáo phận, dòng tu, giáo xứ, gia đình, sẽ triển khai thành những hành động và việc làm cụ thể trong đời sống đức tin, góp phần thi hành sứ mệnh loan báo Tin Mừng trong xã hội hôm nay cách thiết thực và hậu quả.”
Liền sau Đại Hội Dân Chúa, Đức Hồng Y GB Phạm Minh Mẫn, trong Lời Chủ Chăn đầu Xuân Tân Mão 2011, đã kêu gọi mọi người “đáp lời kêu gọi ‘CANH TÂN, ĐỔI MỚI’ của Đại Hội Dân Chúa 2010”. Nội dung của lời kêu gọi Canh Tân này, theo Đức Hồng Y, bao hàm việc “canh tân đời sống, đổi mới nếp nghĩ, lối ứng xử và cách làm, nhằm xây mới sự hiệp thông trong Giáo Hội. Sự hiệp thông này mở đường cho người người bước theo Chúa Giêsu loan báo Tin Mừng Sự Sống, Tin Mừng Tình Thương, cùng đồng hành với Giáo Hội Chúa Kitô chung sức với đồng bào và đồng loại, vun đắp nếp sống văn hóa sự sống và văn minh tình thương, trong Thành phố và trên đất nước hôm nay, vì sự sống và hạnh phúc của gia đình nhân loại”. Ngài xác tín Công Nghị Giáo Phận là cơ hội thuận tiện để “mọi thành phần trong gia đình giáo phận phát huy tình hiệp thông huynh đệ, thống nhất với nhau, một lòng một ý tìm đường đổi mới và quyết tâm đổi mới”.
Trong Lời Chủ Chăn tháng 6.2011, Đức Hồng Y xác định lại mục đích canh tân, đổi mới của Công Nghị Giáo Phận, thành lập Ban Tổ Chức và Ban Thư Ký Công Nghị, ấn định thành phần tham dự và đề ra cả một lộ trình để chuẩn bị cũng như tiến hành Công Nghị. Đổi mới tiếp tục là chủ đề của các Lời Chủ Chăn tháng 8, 9 và 10.
Theo hướng dẫn của các Lời Chủ Chăn trên, đổi mới là “gắn bó và kết hợp với Ba Ngôi Thiên Chúa … chung sức xây đắp tình hiệp thông trong gia đình Giáo Hội ở mọi cấp độ … không ngừng xây đắp tình huynh đệ liên đới đối với đồng bào và đồng loại, là anh em một nhà, cùng chung một định mệnh, chung một trách nhiệm cùng mọi người vun đắp nền văn hóa sự sống và văn minh tình thương, qua con đường đối thoại trong chân lý và hợp tác phục vụ cho công ích, vì sự sống toàn diện và sự phát triển vững bền của gia đình nhân loại, đặc biệt những người lâm cảnh khó khăn, túng thiếu, về mặt thể chất cũng như tinh thần” (8).
Đổi mới còn là “điều chỉnh những sai lạc, bổ sung những những thiếu sót, và đưa những giá trị Tin Mừng, những giá trị nhân bản, vào trong nếp sống văn hóa” (9), là “nhận diện những khó khăn trên đường đổi mới, tìm hiểu nguyên nhân sâu xa, tìm lối thoát ra khỏi vòng lẩn quẩn với những ngõ cụt, để mở rộng sự hiệp thông trong Giáo Hội và xã hội. Mục đích là nhằm đưa những giá trị Tin Mừng, những giá trị nhân bản, vào trong đời sống gia đình và xã hội, kinh tế và chính trị hôm nay” (10).
Qua những trích dẫn trên, chúng ta có thể nói “Canh tân, Đổi mới” là ý tưởng chính yếu của các Lời Chủ Chăn trong những tháng qua. Nó cho thấy rõ ý định và thao thức của các vị chủ chăn trong giáo phận khi tổ chức Công Nghị; đó là “Canh tân, Đổi mới” trong đời sống giáo phận, trong cách sống đạo cũng như trong cách thi hành mục vụ của mọi thành phần và tổ chức trong giáo phận.
Hiện nay, các giáo hạt đã bắt đầu tổ chức gặp gỡ, học hỏi và góp ý canh tân và đổi mới ngôi nhà chung của giáo phận. Thiết nghĩ, từ những câu gợi ý trao đổi và góp ý cho Công Nghị đã đăng trên trang web của giáo phận, các tổ chức cần rút lấy khoảng 3 đến 5 câu, vừa phản ánh tinh thần và những nội dung chính của Thư Chung, vừa phù hợp với hoàn cảnh và lãnh vực hoạt động mục vụ của mình, để tập trung suy nghĩ và góp ý xem cần đổi mới những gì.
Mỗi tổ chức mục vụ không nhất thiết phải trao đổi hết tất cả những câu gợi ý. Điều được mong đợi không phải là những suy tư mang tính lý thuyết, nhưng là những đề nghị cụ thể nhằm canh tân đời sống và hoạt động mục vụ trong giáo phận, ở những cấp độ và những lãnh vực khác nhau. Để xoáy vào trọng tâm đổi mới, những cuộc gặp gỡ tại các giáo hạt có thể tập trung vào ba gợi ý sau:
1. THƯ CHUNG KHẲNG ĐỊNH: DÂN THIÊN CHÚA CHỈ CÓ THỂ XÂY DỰNG VỮNG VÀNG TRÊN NỀN TẢNG LỜI CHÚAGIÁO LÝ LÀ ĐÒI HỎI TỐI CẦN THIẾT TRONG ĐỜI SỐNG GIÁO HỘI, NHẤT LÀ TRONG THỜI ĐẠI ĐẦY RẪY NHỮNG LUỒNG TƯ TƯỞNG NGHỊCH VỚI TIN MỪNG (S.11)… THÁNH THỂ NHƯ LÀ TRUNG TÂM, NGUỒN MẠCH VÀ CHÓP ĐỈNH CHO ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ CỦA GIÁO HỘI (S.12). LÀ GIÁO DÂN, ANH CHỊ EM ĐÃ QUAN TÂM XÂY DỰNG & CỦNG CỐ ĐỜI SỐNG NỘI TÂM NHƯ THẾ NÀO? THEO ANH CHỊ EM, CẦN CANH TÂN NHỮNG GÌ?
(2) ĐẠI HỘI DÂN CHÚA MONG MUỐN GIÁO HỘI TẠI VIỆT NAM CỦNG CỐ SỰ HIỆP THÔNG VÀ THAM GIA TRONG ĐỜI SỐNG GIÁO HỘI Ở MỌI CẤP BẬC, TẠO ĐIỀU KIỆN ĐỂ MỌI THÀNH PHẦN DÂN CHÚA TÍCH CỰC THAM GIA VÀO ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ CỦA GIÁO HỘI.
TRÊN THỰC TẾ, ĐIỀU NÀY ĐÃ ĐƯỢC THỰC HIỆN NHƯ THẾ NÀO TRONG GIÁO XỨ CỦA ANH CHỊ EM? THEO ANH CHỊ EM, LÀM THẾ NÀO ĐỂ CỦNG CỐ VÀ PHÁT HUY SỰ THAM GIA CỦA GIÁO DÂN VÀO ĐỜI SỐNG VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA GIÁO XỨ? CẦN ĐỔI MỚI NHỮNG GÌ?
(3) THƯ CHUNG MỜI GỌI DÂN CHÚA CỘNG TÁC VỚI MỌI NGƯỜI THIỆN CHÍ BỒI ĐẮP NỀN VĂN MINH TÌNH THƯƠNG VÀ SỰ SỐNG.
GIÁO XỨ VÀ CỘNG ĐOÀN CỦA ANH CHỊ EM ĐÃ LÀM GÌ ĐỂ PHỤC VỤ TÌNH THƯƠNG VÀ SỰ SỐNG TRONG KHU VỰC MÌNH ĐANG SỐNG? ĐÂU LÀ NHỮNG KHÓ KHĂN ANH CHỊ EM GẶP PHẢI TRONG VIỆC SỐNG NỀN VĂN MINH TÌNH THƯƠNG VÀ SỰ SỐNG? LÀM THẾ NÀO ĐỂ ANH CHỊ EM TRỞ THÀNH NHỮNG TÁC NHÂN XÂY DỰNG NỀN VĂN MINH TÌNH THƯƠNG VÀ SỰ SỐNG?
Tôi đã được tham dự một vài cuộc gặp gỡ, trao đổi và góp ý cho Công Nghị được tổ chức tại giáo hạt và tôi cảm thấy như được sống lại bầu khí thân thương của những ngày Đại Hội Dân Chúa. Thay cho các vị chủ chăn trong giáo phận, cha hạt trưởng và quý cha trong giáo hạt đã hiện diện và ân cần lắng nghe ý kiến đóng góp của Dân Chúa, sau đó, cầu nguyện hoặc dâng lễ với nhau, đồng bàn với nhau trong tình huynh đệ. Tôi trộm nghĩ, trong chừng mực nào đó, Công Nghị như đang diễn ra ở đây, khơi nguồn cho những suy nghĩ và nhiệt tình đổi mới đầy hứa hẹn trong cả hai khía cạnh mục vụ và sứ vụ.
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hiền
Trưởng ban Thư ký Công nghị



Thứ Hai, 19 tháng 9, 2011

HỘI PHẠT TẠ THÁNH TÂM GIÁO XỨ TÂN QUY ĐANG CHUYỂN MÌNH

Lê Minh Sơn
 Nằm cạnh đường Bùi Công Trừng thuộc xã Nhị Bình, Huyện Hốc Môn, một vùng xum xuê cây trái miệt ruộng đồng. Thánh đường Tân Quy sừng sững, tọa lạc trên khu đất rộng 13.000m2, toát lên dáng vẻ nghiêm trang cổ kính của ngôi Thánh Đường Giáo xứ đã sớm hiện diện nơi đây từ năm 1908. Trải qua 13 đời Cha quản nhiệm, Tân Quy vẫn vững vàng và mãi tiến bước trên con đường truyền giáo, mang Chân lý và Tình yêu của Chúa Kitô là Vua đến ngự trị trong lòng mọi người.
Sau ngày họp BCH GĐPTTTCG Hạt Hốc Môn cuối tháng 8-2011, nhận lệnh Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Hồng, Tổng Linh Hướng Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm Tổng Giáo Phận Sàigòn, Ban Chấp Hành Giáo Hạt Hốc Môn chúng tôi gồm ba anh em: anh Giuse Nguyễn Phú Nhuận Trưởng ban, anh Giuse Nguyễn Ngọc Văn Phó ban và tôi (Thư ký) lên kế hoạch đến thăm Hội Phạt Tạ Giáo Xứ Tân Quy. Thật là may mắn khi chúng tôi bắt được liên lạc với anh G.B.Nguyễn Văn Hùng đang phụ trách hội Phạt Tạ sở tại, (Hội Phạt Tạ đã thành lập từ lúc Cha Phêrô Trần Văn Thì về quản xứ năm 1952). Nhiệm vụ chúng tôi là tham khảo, nắm bắt tình hình sinh hoạt của Hội tại đây, đồng thời mời gọi và hướng dẫn tổ chức này hội nhập vào sinh hoạt GĐPTTTCG cả nước.
Tối Thứ Tư 14-09, như đã hẹn, chúng tôi đến sinh hoạt và nhận được sự đón tiếp nồng nhiệt tại phòng họp mục vụ G/x đầy ấm cúng, vừa đến nơi 10 người là thành viên BCH xứ Đoàn đã hiện diện (BCH vừa mới được bầu lại, dưới sự hướng dẫn của Cha Chánh xứ đương nhiệm Gabriel Trịnh Công Chánh), cùng quý anh chị trong Hội Đồng Mục vụ Giáo Xứ, và Trưởng các Giáo Khu. Trên gương mặt rạng rỡ, ai ai cũng tỏ ra mong muốn tìm hiểu về tổ chức GĐPTTTCG hiện nay. Ba anh em chúng tôi đã lần lượt trò chuyện, giải thích, hướng dẫn về các mặt công tác như: tổ chức nhân sự BCH, nhiệm vụ của từng bộ phận, nghi thức tuyên hứa, cờ Đoàn, đồng phục, huy hiệu, dây quàng nữ, cà vạt... Các sinh hoạt phụng vụ: Chầu Thánh Thể, Tôn Vương, giờ kinh đền tạ luân phiên... các công tác Bác ái, Truyền thông, Tuyên huấn... được biết tại đây, những tổ chức sinh hoạt này đang được phục hồi dần, nhưng chưa đi vào quy chế chung, và chưa có hướng phát triển mạnh những ưu điểm đã tiềm ẩn từ lâu như công tác phục vụ, truyền giáo... chưa thể hiện tính chất hoạt động tông đồ hiện nay của GĐPTTTCG VN.
Buổi làm việc hấp dẫn và đang thu hút mọi người, Cha Chánh Xứ bất ngờ đến dự như mang lại niềm hạnh phúc chan hòa ấm áp. Tuy cha rất bận rộn, nhưng nghe tin có BCH GĐPTTT Giáo Hạt về sinh hoạt, Ngài đã tranh thủ thời gian để có mặt đồng hành cùng tổ chức, với nếp sống giản dị và vui tươi, Cha tỏ ra sự ưu tư mong mỏi cho Hội Phạt Tạ của Giáo xứ sớm hòa nhập vào quỹ đạo chung của cả nước.
Nhìn cuốn Nội Quy trên tay, Ngài đã phát biểu rằng: Đọc qua Nội quy mới nhận thấy rằng muốn gìn giữ mình là một Đoàn viên GĐPTTTCG không phải dễ, không phải muốn vào thì vào muốn ra thì ra như quan niệm từ trước đến nay. Người Đoàn viên chỉ cần tuân giữ hai điều hứa trong nội quy là đã thấy khó lắm rồi: Điều 3: Không nói những điều lỗi đức trong sạch, và ra sức làm cho những người khác cũng đừng nói những điều ấy. Điều 5: Giữ đức tiết độ,không vướng mắc những tệ nạn xã hội. Nếu cố giữ được hai điều ấy thì mới xứng đáng là một Đoàn viên mẫu mực.
Sau lời huấn dụ, Cha con cùng tham khảo các nghi thức để tổ chức ngày lễ Tuyên hứa cho hơn 160 Đoàn viên và BCH Xứ đoàn. Cha cho biết, theo dự kiến sẽ tổ chức lễ vào ngày 21-10-2011. Cùng với sự yêu thương nồng nhiệt, Cha đã hứa cố gắng lo giúp về các khoản chi phí như: thêu cờ Đoàn, huy hiệu, cà vạt, dây quàng nữ... Cha còn đặt làm 250 mẫu bằng Tôn Vương, để thay thế những bằng cũ đã bị hư.
Thấy Cha đang vui vẻ, chúng tôi chuyển lời của BCH Xứ Đoàn Tân Hưng, có nhã ý muốn kết nghĩa cùng Xứ Đoàn Tân Quy để liên kết với nhau hoạt động trong tương lai. Cha đã tỏ ra rất tán thành, Ngài thố lộ rằng việc này hoàn toàn phù hợp, vì trong các mặt công tác mục vụ Ngài cũng từng kết hợp giao lưu với các xứ bạn để trao đổi kinh nghiệm làm việc. Cha mong sự kết thân này sẽ là động lực giúp cho cả hai đơn vị cùng lớn mạnh trong Thánh Tâm Chúa Chúa Giêsu.
Với tiềm năng mạnh mẽ, cùng sự dẫn dắt sáng suốt, nhạy bén của Cha Chánh xứ kiêm Linh Hướng, Xứ đoàn Tân Quy như đang chuyển mình và hứa hẹn vươn đến tương lai tươi sáng. Nhân danh Chúa, Cha ban phép lànhcho mọi người hiện diện, cùng lời chúc cho mọi việc được thành công tốt đẹp, kết thúc buổi sinh hoạt tràn đầy niềm hân hoan và mọi người nao nức trông chờ và hy vọng vào ngày mai.

Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2011

CHUYÊN ĐỀ MỤC VỤ TRUYỀN THÔNG

MỤC VỤ TRUYỀN THÔNG
      TGP SAIGON

HỘI THẢO

Ngày nay, nền văn minh nhân loại đã bước vào thiên kỷ thứ ba với thành tựu khoa học vượt bậc, đời sống con người được nâng cao, nhờ các phương tiện, tiện nghi hiện đại giúp cho công việc đạt hiệu quả; nhanh hơn, nhiều hơn, chính xác cũng như chất lượng cao hơn, tạo ra của cải vật chất phong phú phục vụ cho cuộc sống con người được đầy đủ hơn.
Trong lãnh vực khoa học Truyền Thông hiện nay; phương tiện mạng Internet là một trong những ngành khoa học đạt những thành tựu ưu việt, đó là ngành công nghệ Thông tin Tin Học, công nghệ này có khả năng chuyển tải tín hiệu, ngôn ngữ, hình ảnh giúp ích cho con người giao tiếp, đối thoại, bày tỏ, trao đổi để hiểu biết lẫn nhau, qua những thông tin tức thời của mọi dân tộc đang sống khắp nơi trên trái đất, và người ta có thể nói chuyện trao đổi với nhau bằng hình ảnh sống động từ bất cứ nơi nào trên thế giới, núi cao, rừng thẳm ngay cả trong vũ trụ bao la…cả trong lòng đại dương.
Sự phát triển những công nghệ mới về thế giới kỹ thuật số đã mở ra một “xa lộ thông tin” mênh mông, đây chính là tài nguyên lớn lao dành cho toàn nhân loại, sự phát triển này thúc đẩy sự giao lưu, gặp gỡ và đối thoại lẫn nhau. Điều này cũng tạo ra một cơ hội to lớn dành cho các tín hữu. Không một cửa ngõ nào có thể đóng lại trước những người nhân danh Chúa Kitô Phục sinh muốn dấn thân tới gần người khác. (Trích *Sứ điệp của ĐTC Bênêđictô XVI nhân ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội lần thứ 44)
Khóa Mục Vụ Truyền Thông được ĐHY và quý Cha tổ chức từ năm: 2010 Tại TTMV SaiGon. (gồm lý thuyết và thực hành). Nhằm để ứng dụng nền công nghệ mới của ngành thông tin với mục tiêu:
1. Loan báo Chân lý Tin Mừng.
2. Xây dựng nền văn minh tình thương & văn hoá sự sống.
3. Khai mở dòng chảy hiệp thông
 Với thời gian huấn luyện các khóa từ căn bản đến nâng cao, qua sự truyền đạt tận tình của quý cha, quý tu sĩ và các giảng viên đã giúp cho học viên (giáo dân) có được những kiến thức cơ bản đi vào xa lộ của mạng lưới thông tin toàn cầu:

A-   Phần lý thuyết các học viên đã hiểu sơ lược Tổng quan về Truyền Thông:
1.        Linh Đạo truyền thông …
2.        Những hình thức truyền thông phổ biến: Trong giao tiếp hằng ngày.
3.        Các Loại hình truyền thông : Lời nói, chữ viết, phát thanh, phát hình, báo chí …vv
4.        Truyền thông – Liên kết con người với nhau: đưa đến sự Hiệp thông.

B-   Phần thực hành các học viên đã hoàn thành các bài thực tập :
1.  Xử dụng thành thạo trang thư (Email) đến từng địa chỉ cá nhân, khả năng tự tìm đọc các trang Báo Điện tử hữu ích trên Intrernet, (có trang công giáo)
2.  Tạo trang Web cho Giáo xứ mình, các Đoàn Hội … đưa hình ảnh và những sinh hoạt trong G/x giới thiệu đến mọi người gần xa.
3.  Tạo nên trang nhà của mỗi cá nhân trên diễn đàn TITOCO, nơi đây mọi người có thể chia sẻ cảm nhận, suy tư trong cuộc sống, hoặc trao đổi kinh nghiệm trong đời sống đạo từ đó mọi người liên kết, hiệp thông với nhau hơn.
4.  Qua học tập, các học viên nắm được: Làm thề nào để viết một bản Tin nóng, bản phóng sự, hoặc tường thuật về sự kiện, diễn tiến sinh hoạt giới thiệu những buổi lễ lớn diễn ra tại G/x mình … chia sẻ cái hay, nét đẹp đến mọi người  gần xa cùng chia sẻ hiệp thông.

 Cũng như Sứ điệp của ĐTC Bênêđictô XVI nhân ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội lần thứ 44.  Với mục tiêu ứng dụng ngành khoa học “Thông tin toàn cầu” mang tính ưu việt này vào trong đời sống và nhất là biết vận dụng công cụ này vào công cuộc loan báo Tin Mừng và Hiệp Thông chia sẻ tình thương với anh em đồng bào và đồng loại.
ĐTC đã hình dung ra thị kiến của ngôn sứ Isaia, mạng Internet là một ngôi nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc (x. Is 56, 7), và chúng ta nhìn thấy mở ra một không gian giống như “hành lang của dân ngoại” trong Đền Thờ Giêrusalem dành cho những người chưa biết Chúa.
Và ĐTC đã nhắc lại lập luận sắc bén của Thánh Phao Lô :
“Thế nhưng:
- Làm sao họ kêu cầu vị Chúa mà trước tiên không tin vào Ngài?
- Làm sao tin Đấng họ không được nghe?
- Làm sao nghe, nếu không có ai rao giảng?
   - Làm sao rao giảng, nếu không được sai đi?”  (Rm 10, 11,13-15).

Vào thời xa xưa, Thiên Chúa đã dùng các Ngôn Sứ để “Truyền Thông” cho loài người về tình thương và ý định cứu chuộc của Thiên Chúa, thì ngày nay mọi Kitô Hữu cũng tiếp tục Sứ Vụ loan truyền ơn cứu rỗi …Hôm nay vẫn nối tiếp như Lời Chúa đã truyền dạy các Môn đệ trước khi về trời : 15"Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” (Mc 16, 15)

Qua khóa MVTT do TGP tổ chức, thành viên học được những kiến thức cơ bản của công nghệ mới và quyết tâm đem những điều đã học được phục vụ vào việc xây dựng Giáo xứ, Giáo Hội như sau:

1.     Gầy dựng đội ngũ kỹ thuật: với những anh em có khả năng tin học đang tiềm tàng trong các Giáo xứ, hội đoàn.
2.     Mỗi G/x tạo trang Web: Giới thiệu mô hình sinh hoạt đa dạng của từng Giáo xứ …
3.     Thực hiện phương thức PR: quan hệ công chúng, tạo tình Hiệp thông mọi người …
4.     Tiếp thị - Marketing hiện đại: là phương thức tiếp cận, thích nghi với mọi hoàn cảnh …
5.     Tạo diễn đàn & Tư vấn : Trao đổi, chia sẻ những cảm nghiệm cuộc sống
6.     Vận dụng Ngành khoa học ưu việt: vào việc loan báo Tin Mừng cứu độ.
7.     Chuyển tải: Đem tình yêu Thiên Chúa vào xa lộ thông tin Interne…

      Theo tinh thần Thư Chung hậu Đại Hội Dân Chúa 2011 của HĐGMVN. “…Trong thời đại ngày nay, Giáo hội dùng các phương tiện truyền thông hiện đại là tặng phẩm Chúa ban cho để loan báo Tin Mừng cách rộng rãi và nhanh chóng … để kiến tạo nền văn minh của tình hợp nhất, tình liên đới và tương trợ trong Giáo Hội và xã hội, bằng cách phổ biến những giá trị Tin Mừng và nhân bản qua các phương tiện truyền thông” (trích thư chung hậu Đại hội dân Chúa 2010 số 47)

Nhóm Học viên MVTT Tân Sơn Nhì
                                     
------------








TRUYỀN THÔNG LÀ GÌ ?

Bước vào thiên kỷ thứ ba, như hiện nay, thời của công nghệ khoa học phát triển không ngừng, đã tạo ra những phương tiện hiện đại, giúp cho con người hoạt động nhanh hơn, đạt được hiệu quả nhiều hơn. Riêng về lãnh vực truyền thông, nhờ vào phương này, đã giúp cho con người đang sống mọi nơi trên thế giới, từ các đô thị phồn vinh đến hải đảo xa xôi, truyền thông cho nhau mọi tin tức cấp thời, tạo nên sự hiểu biết cũng như thông cảm lẫn nhau hơn.
Vậy; Truyền thông là gì ?   

Truyền thông (communication) là quá trình chia sẻ thông tin. Truyền thông là một kiểu tương tác xã hội trong đó ít nhất có hai tác nhân tương tác lẫn nhau, chia sẻ các qui tắc và tín hiệu chung. Ở dạng đơn giản, thông tin được truyền từ người gửi tới người nhận. Ở dạng phức tạp hơn, các thông tin trao đổi liên kết người gửi và người nhận. Phát triển truyền thông là phát triển các quá trình tạo khả năng để một người hiểu những gì người khác nói (ra hiệu, hay viết), nắm bắt ý nghĩa của các thanh âm và biểu tượng, và học được cú pháp của ngôn ngữ.
Có nhiều cách định nghĩa lĩnh vực truyền thông, trong đó truyền thông không bằng lời, truyền thông bằng lời và truyền thông biểu tượng. Truyền thông không lời thực hiện thông qua biểu hiện trên nét mặt và điệu bộ. Khoảng 93% “ý nghĩa biểu cảm” mà chúng ta cảm nhận được từ người khác là qua nét mặt và tông giọng. 7% còn lại là từ những lời nói mà chúng ta nghe được. Truyền thông bằng lời được thực hiện khi chúng ta truyền đạt thông điệp bằng ngôn từ tới người khác. Truyền thông biểu tượng là những thứ chúng ta đã định sẵn một ý nghĩa và thể hiện một ý tưởng nhất định ví dụ như quốc huy của một quốc gia.
Theo Saga

Thứ Ba, 13 tháng 9, 2011

ĐỀ CƯƠNG

Lời Mở:
Như phần bài trước chúng tôi đã giới thiệu ĐHY đã có Văn Bản chỉ dẫn về MVTT, và hôm nay chúng tôi xin giới thiệu Đề Cương tổng quát chương trình căn bản của khóa MVTT 1
(Link tham khảo: http://chienhien.blogspot.com/2011/09/hy.html)

ĐỀ CƯƠNG : LỚP MỤC VỤ TRUYỀN THÔNG KHOÁ I
DÀNH CHO CỘNG TÁC VIÊN MỤC VỤ TRUYỀN THÔNG
Buổi 1: Khai mạc
Tiết 1: Kỹ năng viết (tổng quát)
Tiết 2: Hướng dẫn kỹ thuật tham gia mạng TITOCO
Buổi 2: Tổng quan về Truyền Thông
Tiết 1: Tổng quan khoa học truyền thông (truyền thông là gì)
o   Chu trình truyền đạt thông tin
o   Chức năng, vai trò truyền thông
o   Truyền thông bằng lời và không lời
o   Sự phát triển các phương tiện truyền thông
Tiết 2: Hoạt động các ngành truyền thông hiện đại (truyền thông làm gì)
o   Quảng cáo truyền thống và hiện đại
o   Truyền thông tiếp thị tổng hợp
o   Quan hệ công chúng trong truyền thông
o   Khác biệt và tương quan giữa quảng cáo, tiếp thị và PR
Buổi 3: Viết tin ngắn
Tiết 1: Viết tin
o   Cấu trúc cơ bản của bản tin
o   Đối tượng độc giả
o   Góc nhìn sự kiện
Tiết 2: Cách đặt tiêu đề bản tin (title)
o   Các quy tắc cơ bản
o   Thực hành chọn tiêu đề thích hợp
Buổi 4: Viết phóng sự
Tiết 1: Thế nào là một phóng sự
o   Chức năng của phóng sự
o   Cấu trúc, hình thức một bài phóng sự
Tiết 2: Các tiêu đề của phóng sự
o   Lời mào đầu (chapeau)
o   Tựa đề phân đoạn
o   Ảnh báo chí và cách xử lý hình ảnh căn bản
Buổi 5: Quan hệ công chúng
Tiết 1: Quan hệ công chúng và xây dựng hình ảnh
o   Chiều kích hoạt động quan hệ công chúng
o   Tham khảo trường hợp điển cứu
Tiết 2: Các công cụ xây dựng hình ảnh
o   Các công cụ PR
o   Kế hoạch truyền thông xây dựng hình ảnh
Buổi 6: Mục vụ Truyền Thông
Tổng quan về:
o   Thần học Truyền Thông
o   Linh đạo Truyền Thông
o   Đạo đức Truyền Thông
Buổi 7: Tiếp thị Tin Mừng
o   Thuyết trình
o   Ví dụ
o   Đọc tài liệu
Buổi 8: Đúc Kết
o   Nhận xét về các bài làm
o   Trả lời các câu hỏi
o   Sinh hoạt của các Cộng tác viên MVTT
o   Chuẩn bị Ngày Mục vụ Truyền Thông Thế giới

**Theo đề nghị của một số Bạn, Mục Vụ Truyền Thông chúng tôi  Post chương trình khái quát vế MVTT, để các Bạn không thể tham gia khóa học có thể tham khảo.
Đây là một môn học còn khá mới mẻ đối với một số Bạn. Nhưng có quyết tâm thì chúng ta ắt làm được điều chúng ta muốn.
Thân mến

Thứ Hai, 12 tháng 9, 2011

GĐPTTTCG TGP Saigon - Khóa Thường Huấn 2

NEWS/Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm: Khơi lửa lòng nhiệt thành
Bài: Văn Chiến & Ảnh: Vincengon

Nhằm mục đích củng cố nền tảng sinh hoạt của đoàn thể và bồi dưỡng những kỹ năng điều hành sinh hoạt cho BCH cấp giáo hạt và xứ đoàn nhiệm kỳ 2011-2014.
Lúc 09g00 ngày 10/9/2011, Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu Tổng Giáo phận Tp. Hồ Chí Minh (GĐPTTTCGS) đã tổ chức khóa “Thường huấn khóa căn bản đợt 2” dành cho thành viên BCH các xứ đoàn, BCH các giáo hạt: Tân Định - Xóm Chiếu - Tân Sơn Nhì - Chí Hòa - Sài Gòn; Thành viên các Ban cấp Giáo phận: Hỗ trợ Phát triển - Ơn gọi và Truyền giáo - Ban Tuyên huấn - Ban Phụng vụ - Ban Phát triển. Khóa Thường huấn đã thu hút gần 300 đoàn viên tham dự.
Đến tham dự có cha Tổng Linh hướng Vinh Sơn Nguyễn Văn Hồng, cha Phó Tổng Linh hướng Vinh Sơn Nguyễn Thế Thủ, Ban Chấp hành GĐPTTTCGS Giáo phận và các Ban chức năng cấp Giáo phận.
Buổi sáng
Đúng 08g45, cha TLH khai mạc khóa học. Với cùng nội dung đợt “Thường huấn khóa căn bản đợt 1” tại giáo xứ Tân Hưng, Hóc Môn vào ngày 13/8/2011 (Xem bài Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm TGP: Thường huấn đợt 1 - http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20110814/12070), nhưng lần này ban giảng huấn đã đào sâu và hướng dẫn cụ thể hơn một số trong tâm cần thiết:
1- Vai trò người giáo dân trong đời sống Giáo hội
Cha PTLH Vinh Sơn Nguyễn Thế Thủ giảng huấn.
- Cha Vinh Sơn nhấn mạnh đến từ ngữ: “Hội Thánh”. Hội Thánh hay Giáo hội, là những người được Chúa gọi, sẵng lòng quảng đại bước theo Ngài, quy tụ quanh Ngài và thể hiện tính yêu Đức Kitô nơi mọi người. Vì thế, người giáo dân không phải đứng bên lề Giáo hội, nhưng là người được “sai đi” để thi hành sứ mạng Chúa trao phó, để thực thi 3 -chức năng: Tư tế - Tiên tri - Vương đế của người Kitô hữu.
- Để thực thi chức năng vương đế, giáo dân phải luôn sẵn sàng “bước theo Thầy”, sẵn sàng đón nhận mọi biến cố trong cuộc đời, luôn bước theo con đường thập giá Chúa đã đi, để chúng ta luôn cảm nhận được ý Chúa, được lòng Chúa luôn xót thương ta. Vì thế, người lắng nghe và thực thi Lời Chúa, sẽ cảm thấy bình an trong tâm hồn với mọi hoàn cảnh.
2- Vai trò đoàn thể GĐPTTT trong Giáo hội
Cha PTLH Vinh Sơn Nguyễn Thế Thủ giảng huấn.
- Tất cả mọi người là môn đệ Chúa Giêsu, Ngài mời gọi mỗi đoàn viên GĐPTTTCGS sống với Chúa, loan báo Lời Chúa theo khả năng của mình.
- Mỗi đoàn thể Công giáo Tiến hành sẽ diễn tả Chúa Giêsu theo đặc sủng của mình. Riêng GĐPTTTCGS, đã chọn việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu là tâm điểm, là lẽ sống và là đặc sủng của mình. Chúng ta cùng với Giáo hội thể hiện việc “Yêu mến - Tôn thờ - Loan báo” tình yêu của Thánh Tâm Chúa Giêsu cho anh em. Sống với Thánh Tâm Chúa Giêsu nơi bí tích Thánh Thể.
- Đoàn viên GĐPTTTCGS sẽ là mối dây liên kết mọi người chung quanh Chúa Giêsu. GĐPTTTCGS phải trở nên nòng cốt trong các giờ chầu Thánh Thể tại giáo xứ.
3- Cơ cấu tổ chức GĐPTTT các cấp. Chức năng, nhiệm vụ các thành viên BCH cấp xứ đoàn
Ông Đaminh Phan Văn Hùng, trưởng Ban Tuyên huấn TGP triển khai.
- Ngoài việc trình bày cơ cấu tổ chức... Ông Đaminh Phan Văn Hùng đã nhấn mạnh đến vai trò người “Toán trưởng và Liên Toán trưởng”. Khi những thành viên này hoạt động tích cực, sẽ giúp xứ đoàn hiểu rõ tâm tư, hoàn cảnh cụ thể từng đoàn viên, từ đó sự hoạt động của xứ đoàn sẽ đều khắp và đến từng đoàn viên.
- Vai trò của Ủy viên Tuyên huấn là định hướng và cốt lõi của đời sống nội tâm. Còn vài trò của Ủy viên Bác ái xã hội và Truyền thông là hành động, thể hiện bằng những hành động và việc làm cụ thể.
- Để hoàn thành được những nhiệm vụ đã đón nhận, mỗi người phải có lòng nhiệt thành yêu mến Thánh Tâm Chúa Giêsu, đặc biệt là việc đọc “kinh dâng mình” mỗi ngày. Đó chính là ý lực sống của đoàn viên hằng ngày.
4-    Mối tương quan giữa đoàn thể và Giáo xứ
Ông Giuse Huỳnh Bá Song, Trưởng BCH GĐPTTT GP triển khai.
- GĐPTTTCGS là một đơn vị trong giáo xứ, vì thế chúng ta có trách nhiệm gắn kết, cộng tác và vâng phục vị chủ chăn tại giáo xứ. Luôn gắn kết chặt chẽ với HĐMV/GX, tạo tình liên đới để đóng góp phần mình vào việc chung của giáo xứ.
- Quyền lợi và trách nhiệm nhiệm gắn liền với nhau. Do đó, GĐPTTTCGS phải có trách nhiệm sánh vai cùng với các đoàn thể Công giáo Tiến hành để đóng góp, xây dựng, tham gia các sinh hoạt trong cộng đoàn giáo xứ, góp phần xây dựng giáo xứ, Giáo phận và “Ngôi nhà Giáo hội”.
- Mọi thành viên luôn được mời gọi cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa dành cho mình, luôn thể hiện tinh thần “Hiệp thông”, từ đó xác tín được vai trò và trách nhiệm của mình trước mặt Thiên Chúa, Giáo hội và xã hội.
Buổi chiều
Đúng 13h30, Ban Tổ chức đã dành 60 phút để trả lời các câu hỏi xoay quanh về phụng vụ và Nội Quy, cũng như những khó khăn, trở ngại các xứ đoàn đang gặp phải... Cha Phó TLH và anh Trưởng GĐPTTTCGS TGP đã giải đáp thỏa đáng từng trường hợp cụ thể.
Từ 14g30 đến 15g30, cha Phó TLH đã hướng dẫn phương thức tổ chức giờ Chầu và kinh Đền tạ & Tôn Vương Thánh Tâm Chúa Giêsu theo đúng tinh thần phụng vụ. Ngài đã giới thiệu quyển sách “20 mẫu chầu Suy Tôn Thánh Thể” để các xứ đoàn áp dụng.
Khóa học kết thúc bằng 30 phút chầu “Đền Tạ Thánh Thể Thánh Tâm”. Trong tâm tình chúc tụng, ngợi khen, tôn vinh, cảm tạ, thống hối và cầu xin ơn tha thứ, các thành viên lắng đọng đọc kinh Dâng Mình, xin dâng lên những gì mình có, để làm sáng danh Trái Tim hiển thắng của Thánh Tâm Chúa Giêsu đến mọi nơi và mọi thời.